Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Khi nào Cổng Tam quan - Khi nào là Nghi môn?

Hôm trước đi Đại Lộc, làm cái mặt bằng Nghĩa trang Trường An (người có công). Ông già chủ công Nguyễn Khắc Mai (nguyên Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam) nói Phong thủy, nói mộ ... rồi anh em hỏi làm cổng tứ trụ hay cổng tam quan. ổng chọn cái cổng tứ trụ. Nhưng anh em mình vẽ 4 trụ không thẳng 1 hàng, 2 trụ trước, 2 trụ sau (hình thang). 
Một bức ảnh gọi là "Hình ảnh cổng tam quan và hồ sen (Phía trước nhìn vào) của Một nhà thờ họ ở làng Nại Cửu, Huyện Triệu Phong, Quảng Trị.

Tuần rồi ở Huế, có trao đổi với Giáo sư Mỹ thuật Trần Lâm Biền. Ông bảo: ối giời, cổng cách mạng mày thích làm gì, tau không quan tâm. Nhưng sao là cổng tam quan (chùa), sao là cổng tứ trụ (Đình - đền), có nghĩa cả đấy. Nghe nhé:
1. Cổng Tam quan: Tam quan là ranh giới giữa đời và đạo, là 3 lối nhìn về đạo; là 3 cửa, 2 cửa con và 1 cửa lớn ở giữa.
Trong chùa nhìn ra, cửa tay phải gọi là Không quan/nhìn bản thể, cửa nhỏ tay trái gọi là Giả quan/ quy luật, cửa giữa gọi là Trung quan hay là cửa Bát nhã/hiểu sâu sắc để đi vào con đường Nhất chính đạo. Như vậy, cửa tay trái của hành giả gọi là Không quan, cửa tay phải gọi là Giả quan, và cửa chính là bước vào Nhất chính đạo.
Môn là cổng, quan là con đường, là lằn ranh để bước đi, bước vào hoặc bước ra.
Không, trong nghĩa "không tức thị sắc", là cái bản thể vô hình mà tạo nên muôn loài.
Giả, trong nghĩa "sắc tức thị không", tức hình sắc là thứ giả tạm, để rồi mọi thứ đều là cát bụi.
Nhất chính đạo nằm sau cửa Trung quan, cửa giữa. Nhà Phật thường nói, trước cửa Trung quan có 8 vạn 4 ngàn pháp môn, nhưng sau cửa Trung quan chỉ có duy nhất con đường Nhất chính đạo, là con đường của trí tuệ, khi nhận rõ được cái bản thể, hiểu được cái giả tạm, diệt trừ cái vô minh (u mê) thì mới có thể rũ bỏ mọi thứ mà ung dung bước trên con đường đạo. Nhận thức hiện nay lệch lạc mà con đường Giả quan lại sử dụng nhiều hơn.

Các lưu ý trong cổng tam quan:
a) Sau cổng tam quan không có bình phong.

Chùa không bao giờ có bình phong, bởi vì sức mạnh của chư phật và Bồ tát có khả năng cảm phục và giáo hóa tất thảy chúng sinh. Tất cả chúng sinh đều có khả năng tiếp cận với Phật pháp, kể cả ma quỷ. Bình phong trong cac di tích thường dùng để ngăn gió độc, chống quỷ dữ, ở phía trong hay ngoài nghi môn.
b) Tam quan (chùa) không có ba tầng mái.
Với ngôi nhà 3 tầng mái trong nhà Chùa biểu tượng cho "tam phẩm vãng sinh" thuộc thế giới Tây phương cực lạc, nơi của các kiếp đời đã qua, có Phật quả khác nhau. Gắn với các kiếp đời đã qua - nơi mà chúng sinh đã được giải thoát và chứng ngộ Phật đạo. Do vậy, kiến trúc 3 tầng mái thường đặt ở phía sau Thượng điện. (Tuy nhiên, có loại kiến trúc 3 tầng mái khác, biểu trưng cho Thiên - Địa - Nhân, thì thường đặt ở phía trước, thể hiện sự sinh hoạt tâm linh của nhà vua, như Hiển Lâm Các (Huế).
Do vậy, có thể hiểu tam quan thường chỉ có 2 tầng mái (tam quan chùa Keo - Nam Định, kiểu tam sơn như chùa Kim Liên, chùa Kiến Sơ, chùa Láng/ Hà Nội. Không thấy hiện tượng tam quan 3 tầng mái từ thế kỷ XX trở về trước, bởi lẽ không ai đi vào cái chết trươc khi tiếp cận với chư Phật và Bồ tát ở Phật điện.
c) Một lưu ý khác không phải tam quan nhưng trong nhà chùa, đó là Tháp "cửu phẩm liên hoa". Các Tháp thường nằm sau tòa Thượng điện, nằm trên trục Nhất chính đạo, nó thể hiện ý: tam quan là nơi dẫn con người vào đạo, chùa là nơi rèn tâm kiến tính, mong khi giải thoát được về thế giới cực lạc, tháp dựng sau chùa vì đó là nơi ở của các kiếp đời đã qua tùy thuộc vô Phật chứng của họ

d) Tháp chuông: Trước thế kỷ 17, Tháp chuông thường đặt sau chùa, trên trục chính trung tâm như chùa Điềm Giang, Ninh Bình; chùa Ông gắn với Từ Đạo Hạnh ở Như Quỳnh Hưng Yên, nhưng từ XVII, gác chuông được đẩy ra ngoài tam quan như chùa Keo Hành Thiện ở Nam Định. Nhưng tam quan lớn thường không chỉ treo chuông mà còn treo khánh. (Chùa có thờ Thánh thì mới có trống thay cho Khánh vì có da - sát sinh)
e) Nhà 3 tầng mái, "tam phẩm vãng sinh": 
Quan niệm nhà Phật cho rằng: Ở miền Niết bàn do Adida đứng chủ là một thế giới chia làm 3 cấp gắn với những kiếp đời đã qua có Phật quả cao thấp khác nhau. Thế giới cao nhất gọi là "thượng phẩm vãng sinh" nơi ở của các pháp thân giác ngộ đỉnh cao; tầng thứ 2 là "trung phẩm vãng sinh", là nơi trú của các vị chứng quả Bồ tát; và dưới cùng là các nhà tu chân chính và Phật tử lòng thành, tầng dưới có mái rộng hơn do lượng chúng sinh nhiều hơn.
2. Nghi môn: 
a) Mang dáng dấp của cổng thành thường gắn với Đền, có vọng lâu mà vào ra theo đạng Nhập huyền, Xuất tẫn trong kiến trúc Đạo / Lão giáo. Về sau ý nghĩa này thường ít được nhắc đến nên có dạng nghi môn 3 cửa gắn với thần nói chung. Song các các thần có ảnh hưởng lớn lại làm thành dạng nghi môn 5 cửa như đền Phù Đỏng, chùa Bối Khê.
b) Nghi môn tứ trụ thường gắn với Đình, nhất là Đình có tả vu hữu vu, về sau lan san cả kiến trúc đề và chùa. 
Với kiến trúc Đền - Đình thì trục trung trung tâm thường gọi là thần đạo hay linh đạo. Với yếu tố cung điện (Văn Miếu, Thành Huế, Đền vua Đinh, vua Lê) thì thường không có nghi môn ngoại, nghi môn nội mà con đường đó gọi là Dũng đạo. 
c) Một vài nghiên cứu cho thấy Đình / Đền như đầu Hổ phù, tả vu hữu vu là tay của nó và nghi môn tứ trụ là răng của linh vật này và hồ bán nguyệt thường ở ngoài. Điều này gắn với truyền thuyết "khuấy biển sữa" mà nảy sinh ra "hổ phù". Nguyệt thực 1 phần là điềm gắn với được mùa, hạnh phúc. ở một vài di tích đưa hồ vào trong nghi môn, tạo không gian thoáng hơn về mặt tâm linh thì mặt trăng đã nằm gọn trong đầu hổ phù thì là điềm xấu khó chấp nhận được.

3. Chùa Thiên Mụ làm kiểu nghi môn là sai?
Có những ngôi chùa vừa thờ Phật, vừa thờ Thánh (đầu XX), lại vừa có cổng tam quan, vừa có cả Nghi môn, và tùy theo tính chất Phật hay Thánh nặng hơn mà tam quan ở trước hay sau nghi môn. Như chùa Thầy có 2 cổng ứng với 2 lần cửa. Chùa Láng có nghi môn đặt trước tam quan hoặc chùa Ông, chùa Bối Khê -Thanh Oai- Hà Nội

Cột chính của Nghi môn (gọi trụ biểu là làm thấp đi giá trị của nó).
- Trên đầu là 4 con phượng hoàng, tượng trưng cho sức mạnh của thần linh. phượng là loài chim tung cánh 4 tầng trời, nên mỏ của nó phải là mỏ diều hâu, vuốt chim ưng, đuôi công, cánh đại bàng  ...


                                                                     Nguồn: Lấy từ GS Trần Lâm Biền, trích từ cuốn Diễn biến Kiến trúc truyền thống Việt vùng châu thổ sông Hồng (Viện bảo tồn di tích, Trần Lâm Biền chủ biên)



Mời xem bài tới: Trang trí trên bộ nóc mái của Kiến trúc truyền thống.

3 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Đã đọc sách của GS Trần Lâm Biền, rất hay và chi tiết kiến thức truyền thống Đình, Đền, Chùa và lịch sử kiến trúc qua các triều đại của người Việt. Đặc biệt nhất nếu Hy Lạp có "thức cột" thì Việt Nam có "Bộ vì", cũng tương tự. Cám ơn bài biết và tác giá vì đã giúp tôi đây có thêm kiến thức về bản sắc kiến trúc của người Việt.

    Trả lờiXóa
  3. Cổng Nhà thờ Tộc tôi có cặp câu đối:
    Mở rộng NGHI MÔN, muôn dặm đón chào con cháu tới
    TÂN TRANG TỪ SỞ, nghìn thu thành kính khói hương bay!
    Thế là an tâm về 2 chữ Nghi môn.

    Trả lờiXóa