Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010

Quy hoạch cấu trúc đô thị trong lý thuyết và thực tiễn quy hoạch Việt Nam

                                                    KTS Huỳnh Quốc Hội

Bài này đã đăng trên Tạp chí Đô thị phát triển số 38, nhưng giờ đã mất link



QUY HOẠCH CẤU TRÚC THÍCH ỨNG
áp dụng trong lý thuyết và thực tiễn quy hoạch xây dựng đô thị Việt Nam.


Xã hội Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển hội nhập, nền kinh tế phát triển theo hướng kinh tế thị trường càng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Quá trình đô thị hoá cao và nhanh chóng tập trung theo 3 cấp độ: Một số đô thị tạo được sức hút di dân cơ học trở thành những trung tâm kinh tế phát triển; một số thành phố khác cũng tạo được sức hút để phát triển công nghiệp; các thành phố, tỉnh lỵ còn lại cũng ra sức xây dựng nhằm thu hút đầu tư phát triển để không bị tụt hậu thua kém. Quá trình phát triển của giai đoạn tạo nên một bức tranh đô thị nhiều màu mà tự bản thân chưa địa phương nào có thể dự đoán trước những bước phát triển nào tiếp theo về kinh tế - xã hội – môi trường. Tấm áo quy hoạch chung đã trở nên cũ kỹ và chật chội. Tiếp tục tăng trưởng về đô thị là xu hướng tất yếu, gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các đô thị có thể phát triển lành mạnh, hiệu quả xét trên cả 3 góc độ chính : kinh tế, xã hội và môi trường.
 Điều đó đòi hỏi phải thay đổi kiểu mẫu quy hoạch xây dựng trong phát triển đô thị, từ đó dẫn đến sự thay đổi cơ cấu tổ chức không gian để thích hợp với cuộc sống hiện đại. Các vấn đề: sự tương tác giữa con người và môi trường ảnh hưởng lớn đến phát triển môi trường bền vững; sự thay đổi các biến số và quá trình năng động trong phát triển kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến quy hoạch; sự thay đổi từ việc coi trọng mở rộng đô thị sang việc coi trọng quản lý đô thị.



I.               MỘT SỐ TỒN TẠI TRONG HỆ THỐNG.

1. Về mặt từ ngữ còn nhiều chỗ chưa thống nhất:
          a/. Trong Luật Quy hoạch đô thị: Tuy mới ra đời vào 17/6/2009 (có hiệu lực vào ngày 1/1/2010) nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề cả về lý thuyết lẫn thực tiễn trong hoạt động quy hoạch và phát triển đô thị tại Việt Nam ở các vấn sau đây:
          - Chưa bao gồm Quy hoạch vùng và quy hoạch nông thôn, do vậy, 2 vấn đề này vẫn thuộc phạm vi quản lý của Luật Xây dựng và Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng. Ngoài ra, còn có them Thông tư 21/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 về quy định lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn.
          - Do vậy, nếu đến khi có Nghị định mới ra đời để hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch đô thị thì vẫn không thể bỏ được Nghị định 08/2005.
          - Đưa ra khái niệm Quy hoạch phân khu thay cho Quy hoạch chi tiết xây dựng TL 1/2000
          b/ Trong các văn bản hướng dẫn về quy hoạch.
          - Các thuật ngữ quy hoạch thường kèm theo từ “xây dựng”, đến Luật Quy hoạch đô thị đã bỏ từ “xây dựng” trong các thuật ngữ về quy hoạch. (Ví dụ là Quy hoạch chung đô thị thay cho Quy hoạch chung xây dựng đô thị…)
          - Tuy nhiên, đến văn bản Thông tư 21/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 vẫn sử dụng từ “xây dựng” trong các thuật ngữ như “quy hoạch xây dựng nông thôn”
          - Trong quy chuẩn quy hoạch xây dựng QCVN : 01/2008/BXD tại QĐ số 04/2008/QĐ-BXD đưa ra thuật ngữ Quy hoạch Không gian vùng, không đồng nhất với các văn bản khác là Quy hoạch xây dựng vùng.
          - Cũng trong quy chuẩn quy hoạch xây dựng cũng đưa ra khái niệm về cấu trúc chiến lược phát triển đô thị.  
          2. Tồn tại trên là do chưa phân loại được hệ thống.
          Hệ thống quy hoạch hiện nay chia ra theo các cấp độ từ trên xuống dưới, từ lớn đến nhỏ như sau:
          Vùng
– Chung – Phân khu (chi tiết 1/2000) – Chi tiết (1/500)
                                                                                     - Nông thôn
          Như vậy, Luật QHĐT chỉ quản lý từ QH chung đến QH chi tiết 1/500
          Quy hoạch Vùng và quy hoạch nông thôn thuộc Luật XD quản lý.

          Như vậy, các nhà quản lý vô hình chung bị bó buộc về ngữ nghĩa trong thuật ngữ “đô thị” nên đã vô tình lẫn hữu ý một cách đầy lo lắng để QH vùng đứng ra ngoài một văn bản Luật quan trọng.
          Xét trên một khía cạnh khác, các quy hoạch được lập đều phải căn cứ từ một Quy hoạch “Mẹ”, đó là Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (QHTT). QHTT này không nằm trong hệ thống đồ án quy hoạch (xây dựng). Tuy nhiên ở đây chúng ta vẫn có them một thuật ngữ :Quy hoạch tổng thể:.
          Như vậy, xét về độ lớn của đồ án quy hoạch, chúng ta có các tính từ chỉ …. để mô tả: Vùng – phân khu – chi tiết
          Các tính từ khác không chỉ độ lớn tương ứng mà lại chỉ về đặc tính :
                    Chung – Tổng thể
          Đặt vấn đề ở đây để chúng tôi đưa vào đây một thuật ngữ mới vào trong hệ thống: Quy hoạch cấu trúc. Cấu trúc, đi gần với các khái niệm phân khu – chi tiết ở trên. Tạm gác lại vấn đề này lại sau, chúng ta tiếp tục.
          3. Tồn tại trong mâu thuẫn giữa Thuyết minh hồ sơ và chi tiết Nội dung bản vẽ về cấu trúc.
          - Trong Quy chuẩn 04/QCXD ban hành kèm theo Quyết định 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/4/2008, mục 1.4.3 nói về yêu cầu đối với Quy hoạch chung: Đề xuất được cấu trúc tổng thể phát triển không gian đô thị, và các cấu trúc đặc trưng phù hợp với các chiến lược phát triển đô thị. Tại mục 1.4.4, yêu cầu đối với quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị TL 1/2000: Đề xuất được các cấu trúc tổ chức không gian đô thị. Mục 2.3: Quy hoạch chi tiết TL 1/2000 là quy hoạch dạng cấu trúc.
          - Xem trong Quyết định 03/2008/QĐ-BXD ngày 31/3/2008 về quy định nội dung thể hiện bản vẽ, thuyết minh đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng.
+ Đối với đồ án QH vùng, BV quan trọng nhất có thể kể đến là bản vẽ số 4: Sơ đồ định hướng phát triển không gian vùng, tỷ lệ 1/25.000 đến 1/250.000 (yêu cầu Phân bố cơ sở kinh tế - kỹ thuật cấp vùng và Phân bố tổ chức hệ thống các điểm dân cư), không nhắc đến cấu trúc.
+ Đối với đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị, các bản vẽ quan trọng là: 03) Các sơ đồ phân tích và sơ đồ cơ cấu phát triển đô thị (tối thiểu 2 phương án kể cả phương án chọn). 04) Sơ đồ quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng theo các giai đoạn quy hoạch (Ranh giới hành chính, đất sử dụng theo chức năng, các khu chức năng đô thị, các khu vực khai thác sử dụng không gian ngầm đô thị, các thông số từng khu chức năng: diện tích, dân số, mật độ xây dựng tối đa và tối thiểu, tầng cao xây dựng tối đa và tối thiểu). 05) Sơ đồ định hướng phát triển không gian đô thị (thể hiện rõ hướng phát triển không gian chủ đạo, xác định và thể hiện phạm vi ranh giới khu bảo tồn, bảo vệ; hệ thống các khu trung tâm đô thị; các khu vực dự kiến xây dựng công trình ngầm).
+ Đối với đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị TL 1/2000, bản vẽ quan trọng nhất là 04) Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất.
          Như vậy, vai trò của cấu trúc trong quy hoạch chi tiết 1/2000 đã không được phần bản vẽ thể hiện theo yêu cầu của Quy chuẩn quy hoạch. Còn trong phần bản vẽ của quy hoạch chung, Sơ đồ cơ cấu phát triển của đô thị (tối thiểu 2 phương án kể cả phương án chọn – không yêu cầu Tỷ lệ) đã không thể hiện hết vai trò của một cơ cấu quy hoạch. Mặt khác, bản vẽ cơ cấu được thể hiện cùng lúc với bản vẽ số 04) và 05) như trên càng làm cho vai trò của cơ cấu, hay là cấu trúc quy hoạch trở nên mờ nhạt trong một hồ sơ quy hoạch.

II.                    VAI TRÒ CỦA NGHIÊN CỨU CẤU TRÚC TRONG QUY HOẠCH.

          Như vậy, vai trò của cấu trúc trong quy hoạch được đề cập đến tại Quy hoạch chung và Quy hoạch chi tiết 1/2000 ở đây là gì? Và một vấn đề khác là trong Quy hoạch vùng có vai trò của cấu trúc quy hoạch hay không? Và cấu trúc trong Quy hoạch Vùng có mối liên hệ gì hay có tách rời khỏi cấu trúc trong quy hoạch chung và QH chi tiết 1/2000 hay không? Nếu có mối quan hệ, thì chúng ta quay lại vấn đề đặt ra ở trên là tại sao tách Quy hoạch Vùng ra khỏi Luật Quy hoạch đô thị.

          Từ các vấn đề trên, chúng tôi mạnh dạn đề xuất rằng: Quy hoạch vùng, Quy hoạch chung thực chất cần phải chuyển thành Quy hoạch cấu trúc hoặc Quy hoạch cấu trúc phải nằm ở bước lập Nhiệm vụ quy hoạch, là tiền đề để lập các bản vẽ Quy hoạch trong Quy hoạch chung, Quy hoạch chi tiết chứ không phải là một bản vẽ trong thành phần hồ sơ của các quy hoạch đó.
Như vậy, nếu xem quy hoạch cấu trúc là một phương pháp để thiết lập nên bộ khung xương cho việc phát triển đô thị thì chắc hẳn rằng các quy hoạch hiện nay đều chưa được nghiên cứu một cách đúng mức để lập ra một cấu trúc quy hoạch.

          1. Vậy Quy hoạch cấu trúc là làm gì?
Đó cũng chính là Yêu cầu đối với quy hoạch chung xây dựng đô thị:
Phải xác định được các cấu trúc phát triển không gian đô thị nhằm thực hiện các chiến lược phát triển đô thị (cấu trúc chiến lược phát triển đô thị). Tùy theo đặc điểm, quy mô của từng đô thị, quy hoạch chung xây dựng đô thị cần đáp ứng được các yêu cầu sau đây:
- Xác định được viễn cảnh phát triển đô thị (tầm nhìn);
- Xác định được các chiến lược phát triển đô thị chính;
- Đề xuất được cấu trúc tổng thể phát triển không gian đô thị (bao gồm nội thị và ngoại thị) và các cấu trúc đặc trưng phù hợp với các chiến lược phát triển đô thị;
- Dự báo quy mô dân số, nhu cầu lao động và nhu cầu đất đai xây dựng đô thị;
- Đề xuất được các chỉ tiêu về sử dụng đất, chỉ tiêu cung cấp hạ tầng phù hợp với mục tiêu phát triển cho các giai đoạn phát triển đô thị;
- Đề xuất được các giải pháp quy hoạch sử dụng đất với khả năng sử dụng đất hỗn hợp ở mức độ tối đa, đảm bảo tính linh hoạt và năng động để thực hiện các chiến lược phát triển đô thị;

Cấu trúc của một đô thị thường được hiểu như một bố cục, là cấu tạo, kết cấu, là quan hệ lẫn nhau giữa các khu vực chức năng. Tổ chức nội tại, sự quan hệ qua lại giữa các yếu tố của đô thị mà việc thay đổi một yếu tố nào đó sẽ kéo theo sự biến đổi của các yếu tố khác, mà trong đó cần đặc biệt chú trọng về tính cân đối, sự tương ứng về số lượng giữa các thành tố. Khác với yếu tố địa lý, địa hình tự nhiên của một khu vực dân cư, các yếu tố cấu thành một cấu trúc đô thị còn mang ý nghĩa riêng. Những ý nghĩa ấy không chỉ được tạo nên nhờ hình dáng bố cục quy hoạch mà còn nhờ vào ký ức lịch sử của dân cư sử dụng.
          Cấu trúc phát triển không gian đô thị phải được xác định trên cơ sở khung thiên nhiên của đô thị, các điều kiện hiện trạng, tiềm năng phát triển đô thị; phải đảm bảo đô thị phát triển bền vững, năng động, hiệu quả, và hướng tới các mục tiêu phát triển đô thị chiến lược, hướng tới tầm nhìn (viễn cảnh) mong muốn của đô thị trong tương lai.

          Nội dung thể hiện trong bản vẽ Quy hoạch cấu trúc chính là nội dung trong bản vẽ số 05) của Đồ án quy hoạch chung. Thể hiện rõ hướng phát triển không gian chủ đạo, cấu trúc phát triển không gian đô thị theo các khu chức năng; các liên kết về giao thông và hạ tầng kỹ thuật giữa các khu vực; Thể hiện ranh giới khu bảo tồn, cải tạo, cần chỉnh trang…; Hệ thống trung tâm đô thị.
         
           2. Tuy nhiên, Quy hoạch cấu trúc vẫn còn chưa đủ.
a) Các tồn tại trong thực tiễn quy hoạch:
-        Đô thị hoá giả tạo.
-        Nguồn lực xây dựng đô thị chủ yếu là do ngân sách bao cấp.
-        Nguồn tăng trưởng nội lực của đô thị thường được dự báo quá cao hơn so với khả năng.
-        Các lợi thế và tiềm năng được thổi phồng quá mức thực tế có thể sử dụng.
-        Việc quy hoạch đất công nghiệp cũng như việc định vị trí các khu công nghiệp chưa xét đến các yếu tố về định vị công nghiệp như: lợi thế về nguồn vật liệu, thị trưởng sản phẩm đầu ra, chi phí vận chuyển…
-        Kinh tế công nghiệp chưa có những đề xuất đổi mới mà vẫn còn thiên về công nghiệp với giá trị thấp, nhân công đông - giá rẻ, khả năng ô nhiễm môi trường cao, lợi thế cạnh tranh lâu dài trong tương lai thấp.
-        Khả năng tiếp cận nhà ở người dân có nhu cầu kém, gây phát sinh ra những vấn đề xã hội kéo theo như: kẹt xe, ô nhiễm môi trường, điều kiện tiếp cận giáo dục, y tế có chất lượng. Bên cạnh đó, còn gây ra tình trạng lấn chiếm đất đai, xây nhà trái phép làm khó khăn cho việc đền bù giải toả các dự án cũng như làm cho thị trường nhà ở trở nên căng thẳng, lộn xộn, tạo nhũng nhiễu trục lợi, nâng cao giá trị ảo cho đất đai.
-        Quy hoạch đô thị cũng là nguyên nhân góp phần tạo nên một nền kinh tế Việt Nam nhỏ lẻ, tiểu thương và ỷ lại: Giải toả đất đai, người nông dân trở thành những cư dân đô thị bất đắc dĩ với các nghề chạy xe ôm, bán vé số, ăn xin, giúp việc gia đình và mở quán vỉa hè, các tủ hàng bán lẻ tạp hoá khắp nơi. Ỷ lại ở chỗ, thị trường đất đai gây sốt ảo, người trẻ hầu như không có khả năng mua đất hoặc có nhà ở mà phải nhờ vào tiền Bố mẹ cho con mua đất.
-        Quy hoạch đô thị gây nên tình trạng kẹt xe đô thị. 1/ Việc chia lô nhà phố làm phân tán cư dân nên xe máy trở thành phương tiện tối ưu, không tập trung được số lượng cư dân cần thiết để sử dụng giao thông công cộng. 2/ Cơ cấu đô thị ngày càng phình to theo các vòng tròn đồng tâm tạo nên các nút thắt giao thông không thể tháo gỡ.
-        Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm chỉ gộp trên phương diện địa lý xét trên khía cạnh kinh tế, nhưng thiếu việc thiết lập một cấu trúc quy hoạch có thể hỗ trợ chặt chẽ liên kết lẫn nhau. Đây là do 2 mâu thuẫn gặp nhau giữa một bên là ý chí về kinh tế vấp phải rào cản cục bộ trong ranh giới hành chính địa phương.
          b). Các tồn tại trong thiết lập cấu trúc quy hoạch:
- Sự phát triển làm tăng thêm tính chất phức tạp của những chức năng kinh tế - xã hội của các thành phố sẽ dẫn đến việc biến đại đa số thành phố nhỏ và trung bình có một chức năng thành những thành phố nhiều chức năng. Như vậy sẽ làm cho dân số và đất đai mà chúng chiếm tiếp tục tăng lên.
          - Do các chức năng kinh tế - xã hội của thành phố không ngừng phức tạp thêm, số dân của nó là một biến số, chính vì thế mà cơ cấu quy hoạch sẽ mâu thuẫn với thực tiễn.
          - Trong trường hợp dân số thành phố phát triển chậm hơn dự báo cũng gây khó khăn cho cơ cấu quy hoạch trong việc giải quyết mạng lưới kỹ thuật, bố trí khu vực công trình phục vụ trung tâm, công viên cấp thành phố và khu bệnh viện ở xa các khu nhà ở.
          - Trong quá trình thiết kế quy hoạch chung, cơ cấu quy hoạch thường được dự tính cho quy mô cuối cùng nhất định nào đó của một điểm dân cư với phần dự trữ rất ít cho tương lai. Cơ cấu quy hoạch này sẽ không còn phù hợp khi dân số tăng thêm nhiều hơn nữa và sẽ bị phá vỡ, phát sinh những khó khăn trong sự phát triển của từng khu chức năng.
- Tổ chức không gian của thành phố chịu sự tác động ngày càng tăng của một hệ thống điểm dân cư phức tạp và không thể giải quyết một cách biệt lập với cơ cấu quy hoạch của các thành phố bao quanh gần nhất.

          III. QUY HOẠCH CẤU TRÚC THÍCH ỨNG
         
          Accommodate,  to adapt (oneself) to
Bố trí các khu chức năng phải lưu tâm đến khả năng phát triển của chúng. Cấu trúc đô thị phải nhằm giải quyết các vấn đề chức năng và kinh tế.. Vì sự phát triển của thành phố trong một tương lai tương đối xa phụ thuộc vào tác động tương hỗ của nhiều nhân tố mà người ta khó và có khi không thể tính được sự biến đổi của chúng. Do đó, việc quy hoạch cấu trúc có cơ sở khoa học phải dự kiến việc điều chỉnh chính xác và hoàn chỉnh để sau này không phải phá bỏ cấu trúc quy hoạch ban đầu.
Phần lớn sự đi lại của dân cư được bắt đầu và kết thúc trong các khu nhà nên việc tổ chức giao thông có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong cấu trúc quy hoạch.
Khi giải quyết cơ cấu quy hoạch, ngoài việc phải lưu ý đến tính quy luật của sự kết hợp tất cả những khu chức năng thành một thể thống nhất mà còn phải lưu ý đến đặc điểm của việc quy hoạch từng khu chức năng do chịu ảnh hưởng của các khu lân cận.

          Bên cạnh các yếu tố cấu trúc trong quy hoạch đô thị còn có thể có những yếu tố ngoài cấu trúc, chúng không liên hệ bền vững với các yếu tố khác nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong sự tiến triển, phát triển cấu trúc (sự tác động của các yếu tố như có tiền lương cao hơn / để lựa chọn chỗ làm việc; hoặc chỗ ở có điều kiện tự nhiên cao hơn, gần các trung tâm phục vụ sinh hoạt, văn hoá, gần với thiên nhiên…)
          Cấu trúc đô thị được tạo nên từ sự liên hệ lẫn nhau của những yếu tố của mọi cấp độ với mỗi cấp độ và của mọi cấp độ với  nhau. Tính lặp lại, tính bền vững của các yếu tố thuộc các cấp độ cấu trúc cao nhất cho phép nêu vấn đề về mẫu gốc của nghiên cứu cấu trúc đô thị. Tính bền vững của các yếu tố thuộc cấu trúc của quy hoạch đô thị cho phép nói đến cấu trúc thích ứng cho mọi đô thị.

Để làm được việc đó, việc thiết lập quy hoạch cấu trúc và quy hoạch cấu trúc thích ứng là một biện pháp giúp cho quá trình lập quy hoạch và quá trình quản lý phát triển đô thị được đúng đắn hơn. Quy hoạch cấu trúc đô thị thích ứng chính là phương pháp quy hoạch nhằm đảm bảo các khả năng xảy ra trong thực tại đều dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững, chất lượng toàn bộ môi trường là mục tiêu chính của quy hoạch
          2. Nội dung:

          - Nhận diện những vấn đề then chốt của đô thị, xác định một cách giới hạn các dự án đô thị chiến lược có khả năng thúc đẩy sự phát triển toàn đô thị. Tập trung nguồn vốn cũng như các nguồn lực khác để triển khai thực hiện, tránh đầu tư dàn trải;
          - Tập trung hơn nữa vào phân tích và đánh giá lịch sử hình thành – phát triển cũng như cấu trúc và hình thái đô thị; Nghiên cứu và đề xuất mối quan hệ không gian giữa các thành phần đô thị thông qua logic của tự nhiên, truyền thống và các đặc trưng văn hoá xã hội, kinh tế để tạo nên bản sắc của từng đô thị.
          3. Phương pháp:
          - Trong khi nội dung được coi là sự phân loại hệ thống hoá có sẵn về các sự kiện và nguyên lý thì Phương pháp là sự nghiên cứu những phương cách để nội dung có sẵn đó được trình bày và khắc sâu vào trí óc làm cho người đọc dễ tiếp thu và hiểu được nội dung đó. Đó là sự xử lý vật liệu một cách có hiệu quả, với sự lãng phí ít nhất về thời gian và công sức để đi đến kết quả mong muốn.
Nếu một người quan sát cẩn thận một quy hoạch cấu trúc, một vài quy hoạch cấu trúc tốt, một vài quy hoạch không có cấu trúc hoặc quy hoạch cấu trúc kém, thì anh ta phát hiện ra những điều kiện đặc biệt giúp cho một quy hoạch cấu trúc trở nên tốt. Những điều kiện đó, nếu phát biểu theo trình tự có hệ thống, sẽ làm thành phương pháp.

Không thể phát hiện ra bất kỳ phương pháp nào nếu như không nghiên cứu các tình huống.

Bảo rằng một phương pháp mang tính lý thuyết có nghĩa là gì? Hãy lấy trường hợp của một bác sỹ. Không có một phương thức ứng xử nào đòi hỏi phải có sự hiểu biết về các phương pháp chẩn đoán và điều trị được thừa nhận rộng rãi như của bác sỹ. Đối với các ca bệnh, anh ta vẫn phải điều chỉnh chúng tuỳ theo tình trạng khẩn cấp của các ca bệnh cụ thể. Các phương pháp (được thừa nhận rộng rãi sẽ gợi ý cho anh ta biết được phải tự tự mình tìm tòi ở đâu, phải thử làm những biện pháp nào. Chúng là những điểm nhìn để anh ta bắt đầu nghiên cứu; nhờ các phương pháp đó, anh ta không cần phải khảo sát hết lượt các đặc điểm của ca bệnh cụ thể bởi anh ta được gợi ý  tập trung nghiên cứu những đặc điểm nào.





B. PHÂN TÍCH CẤU TRÚC ĐÔ THỊ

Đặc trưng của phân tích cấu trúc đô thị là các thao tác sau đây:
-        Phân chia ra ở đối tượng hoặc hiện tượng đang được khai mở những cấp độ hoặc lát cắt nhất định.
-        Khảo sát “lát cắt” này một cách cô lập khỏi những lát cắt bên cạnh, trước hoặc sau.
-        Phân tích cấu trúc bên trong đô thị từ quan điểm trật tự các cấp độ tổ chức.
Xem xét đô thị như một cấu trúc tự khai triển một cách hữu cơ, quy hoạch cấu trúc phân tích đô thị như một hệ thống các yếu tố, nêu lên các quan hệ cốt yếu, quyết định giữa các yếu tố ấy với nhau, bởi chỉ vì khi đưa vào chỉnh thể cấu trúc mới có thể xác lập được ý nghĩa thực và chức năng của các yếu tố ấy.
Nhiệm vụ của nghiên cứu là xây dựng lý thuyết về cấu trúc và chức năng của đô thị; một lý thuyết khảo sát “cả gói” cả những vấn đề về quy hoạch, kinh tế đô thị, môi trường, khả năng phát triển bền vững mà ở đó, các đô thị thực có sẽ giữ vị trí những trường hợp riêng, chúng là hiện thực hoá những khả năng của các mô hình phổ quát. Tất nhiên, việc  hình thức hoá các chức năng đô thị sẽ giúp cho việc vạch ra một số cấu trúc mang tính loại hình chung.

     Hai cách tiếp cận trong phân tích cấu trúc:
     Một là nghiên cứu về đô thị như là khách thể duy nhất và mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu.
     Hai là, khách thể phân tích không phải là từng đô thị mà từng  nhóm đô thị. Trong đó xác lập những quy luật chung của việc hình thành và phát triển đô thị. Sự nghiên cứu trở nên không tách rời với xã hội học, kinh tế đô thị, lịch sử đô thị và nó có một ảnh hưởng quan trọng đến chiến lược phát triển kinh tế xã hội lẫn mục tiêu phát triển đô thị của từng địa phương.
    
Trong hệ thống phạm trù của quy hoạch cấu trúc, có thể chia ra 3 kiểu phạm trù:
-        Các phạm trù của đối tượng phân tích cấu trúc.
-        Các phạm trù của quá trình phân tích cấu trúc;
-        Các phạm trù của hệ thống phân tích cấu trúc.


C. HỆ THỐNG QUY TRÌNH THIẾT LẬP QUY HOẠCH CẤU TRÚC

I.               Các phạm trù của đối tượng phân tích cấu trúc (đô thị)
Chung
Riêng
Cấp độ các dữ kiện quan sát

Cấp độ các kết cấu
Cấu trúc bề mặt, dễ thay đổi
Cấu trúc bề sâu, bất biến
Cái bất biến của đô thị là vị trí, những sự thể hiện cái bất biến ấy là những quy hoạch khác nhau, là những biến dạng.
     Để xác định một cấu trúc nhất định của đô thị tại mỗi giai đoạn, phải lựa chọn một trong số các yếu tố đồng nghĩa (trục lựa chọn, trục thẳng đứng) và kết hợp với các yếu tố trước và sau (trục kết hợp, trục ngang).
     Có vai trò quan trọng trong nghiên cứu cấu trúc là việc phân tích sự chuyển dạng: xác lập những hệ thống, tức là toàn bộ những quy tắc chuyển đổi từ cái bất biến sang một biến dạng, từ một biến dạng này sang biến dạng khác, từ một mã này sang mã khác. Cuối cùng, phải tìm ra cơ chế sản sinh cấu trúc quy hoạch.
     Nhìn chung, quy hoạch cấu trúc quan tâm đến quan hệ giữa các yếu tố của cấu trúc hơn là bản thân của từng yếu tố. Tất cả những biện pháp và nhiệm vụ trong quy hoạch cấu trúc từ việc nêu ra những liên hệ bên trong cấu trúc, phân chia cấp độ cấu trúc của các khu chức năng và xác lập mối liên hệ giữa chúng đến việc mô hình hoá một nhóm khu chức năng, một nhóm khuynh hướng các đô thị đều nhằm phân tích những hệ thống quan hệ giữa các yếu tố tạo thành một chỉnh thể đô thị.

II.            Các phạm trù của quá trình phân tích cấu trúc.

A.   Các thao tác phân tích cấu trúc.
§  “đọc”
§  Phân tích vi mô
§  Lý giải, giải thích
§  Giải nghĩa
§  Mô hình hoá

B.   Các giai đoạn phân tích cấu trúc.
1/ Tạo tiên đề: tìm căn cứ để phân chia hệ thống thành các yêu tố - theo một thông số nhất định.
2/. Phân ly: phân chia một cách có luận cứ (theo căn cứ được xác lập ở khâu tạo tiên đề) đối tượng nghiên cứu thành những yếu tố của cấu trúc.
3/ Liên hệ: tìm ra sự liên hệ giữa các yếu tố của cấu trúc.
4/. Đồng nhất: xác định (theo dấu hiệu cơ bản của các yếu tố) kiểu quan hệ giữa các yếu tố với nhau.
5/. Tổng hợp: xem xét toàn bộ các yếu tố hợp thành cấu trúc không phải như một tổng số giản đơn mà như một chỉnh thể duy nhất.

III.         Các phạm trù của hệ thống phân tích cấu trúc.

1.    Yếu tố: đơn vị không thể chia nhỏ hơn làm thành đối tượng nghiên cứu
2.    Hệ thống: một số nhiều những yếu tố liên kết với nhau được điều chỉnh theo một cách thức nhất định.
3.    Quan hệ: sự liên hệ, liên kết giữa các yếu tố, theo đó, sự biến dịch một yếu tố sẽ kéo theo sự biến dịch các yếu tố khác.
4.    Cấu trúc: toàn bộ các mối quan hệ bên trong hệ thống.
5.    Cấp độ: vị trí của những yếu tố hoặc những quan hệ ở cùng một bậc xét về hàm giá trị.
6.    Trật tự: tổ chức bên trong của các yếu tố hoặc hệ thống các quan hệ cấu trúc và các cấp độ của chúng.
7.    Vị trí: sự phân bố các yếu tố trong hệ thống hoặc các quan hệ trong cấu trúc.
8.    Đối lập: vị trí cặp đôi mang tính đối lập của các yếu tố, của hệ thống hoặc các quan hệ cấu trúc.
9.    Mô hình: cái tương đương về lý thuyết của đối tượng được phân tích.


BÀI LIÊN QUAN


>>> Quy hoạch cấu trúc đô thị thích ứng/ Tạp Chí Kiến trúc Việt Nam 8/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét