Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

TỔ HỢP VÀ SỰ GẮN KẾT ĐÔ THỊ

Chương 4. COMPLEXITY AND URBAN COHERENCE
Sách Principles of Urban Structure của Nikos A. Salingaros
Người dịch: Nguyễn Quý Tự Lập (tháng 11/2013), được tài trợ bởi hquochoi@gmail.com

Những nguyên tắc cấu trúc được phát triển trong sinh vật học, khoa học thông tin và kinh tế học được áp dụng ở đây cho lĩnh vực thiết kế đô thị. Sự gắn kết của hình thái đô thị có thể được hiểu từ lý thuyết của những hệ thống tương tác phức tạp (complex interacting systems). Các tổng thể quy mô lớn có tính phức tạp (complex large-scale wholes) được tập hợp từ những đơn vị con tương tác chặt chẽ với nhau trên nhiều mức độ khác nhau theo một trật tự từ trên xuống dưới, đến tận cấu trúc tự nhiên của các vật liệu. Sự đa dạng của các nhân tố và các chức năng trên quy mô nhỏ là cần thiết cho sự gắn kết trên quy mô lớn. Những khu vực đô thị và vùng ngoại ô chết có thể được khôi phục một phần bằng cách tái kết nối hình học/hình dạng của chúng (their geometry). Nếu những đề xuất này được đưa vào thực tiễn thì các dự án mới thậm chí có thể đạt được sự gắn kết- yếu tố tạo nên đặc trưng cho những khu vực đô thị được yêu mến nhất được xây dựng trong quá khứ. Những quy luật thiết kế được đưa ra hoàn toàn khác biệt với những gì được áp dụng ngày nay. Trong một cuộc khảo sát quan trọng về thực trạng đô thị hiện nay, người ta nhận thấy rằng sự liên kết giữa những đường kẻ ô (grid alignment) không hề kết nối một thành phố mà chỉ tạo ra ấn tượng/cảm giác sai lệch (the misleading impression) giống vậy mà thôi. Mặc dù những quan điểm này phù hợp với Chủ nghĩa đô thị kiểu mới/Đô thị học kiểu mới (New Urbanism) nhưng chúng lại bắt nguồn từ khoa học cũng như độc lập với những luận điểm của các nhà đô thị truyền thống (traditional urbanist arguments).