Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Ý NGHĨA TRANG TRÍ - BIỂU TƯỢNG (1)

                                          Họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ sưu tầm và tổng hợp.

 TRÊN KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG MIỀN TRUNG VIỆT NAM
(Tài liệu tham khảo cho các thuyết minh viên)
I.               Hệ thực vật
Ở Trung Quốc có 12 cây hoa quả làm biểu tượng cho 12 tháng:
-        Mơ:                             Tháng Giêng
-        Đào:                            Tháng Hai
-        Mẫu đơn:                     Tháng Ba
-        Anh đào:                     Tháng Tư
-        Mộc lan (Magnolia):    Tháng Năm
-        Lựu:                            Tháng Sáu
-        Sen:                             Tháng Bảy
-        Lê:                              Tháng Tám
-        Cẩm quỳ (Mallow):      Tháng Chín
-        Cúc:                            Tháng Mười
-        Dành dành (Gardenia): Tháng Mười Một
-        Anh túc (Poppy):          Tháng Chạp
     Và 4 loài hoa đặc trưng cho 4 mùa (tứ thời):
-        Mẫu đơn:                     Xuân
-        Sen:                             Hạ
-        Cúc:                            Thu
-        Mơ:                             Đông
Ở Việt Nam (miền Trung): mai: xuân; sen: hạ; cúc: thu; trúc: đông, nên thường gọi là bộ tứ thời là tứ quý: mai, lan, cúc, trúc.
1.     Cây Bách – Tùng:
Họ Thông (Pinus Bungeana) là loại thực vật chịu đựng bền bỉ trước thiên nhiên khắc nghiệt. Mang ý nghĩa của người quân tử, không quản ngại mọi thử thách và còn biểu tượng cho sự trường thọ. Đề tài chạm trổ thường được thể hiện cặp Tùng – Lộc (cây tùng với con nai) biểu tượng kết hợp của sự trường cửu (tùng) + phú quý (lộc: nai)
2.     Quả Bầu
-        Họ cây leo thuộc loài Cucurbitaceae.
-        Dạng bầu eo thuộc giống Lagernaria Siceraria.
-        Là loài có nhiều hạt, mang biểu tượng sung mãn phồn thực.
-        Là nguồn gốc của sự sống, của sự tái sinh, nguồn gốc nơi sinh ra các dân tộc trong đó có người Việt.

-        Là quả có 2 hình cần như dáng chiếc nồi nấu luyện thuốc của nhà luyện đan và có dáng hình núi Côn Luân (Trung Quốc) của người theo Đạo giáo hay bình đựng nước cam lồ của Bồ Tát Quán Thế Âm …
-        Thường trang trí ở nóc điện, đình miếu; các ô hộc, bụng đòn tay trong các kiến trúc cổ bằng gỗ. Quả bầu thường đi theo dải trang trí hồi văn, hoặc nơ thắt.
3.     Cây bồ đề
Thuộc loài Ficus Religiosa. Tiếng Sankrit (tiếng Phạn) gọi là Bodhidruma (cây của trí tuệ) có tên khác là “Tư duy thụ”. Là nơi mà đức Phật đã ngồi gắn liền với sự tu chứng và giác ngộ. Có nguồn gốc ở Gaya thuộc xứ Bengal, được chiếc trồng tại thành phố Amarapoora ở Myanmar, nay vẫn còn sống. Thường thể hiện với hình thức “Lá đề” (dạng trái tim ngược) kiểu trang trí hồi văn ở những diềm đỡ mái (đường viền)
4.     Trái cam
Tượng trưng cho sự sung mãn như quả bầu, mãng cầu, lựu … và còn mang ý nghĩa sự ngọt ngào. Được thể hiện trong các ô hộc của kiến trúc nhưng nhiều nhất là ở các đồ gỗ trang trí nội thất như mâm quả các dạng cao đê kỷ (gồm bình hoa, lư trầm và đĩa bát quả hoặc ngũ quả)
5.     Lá chuối ba tiêu
Musa sapientum: Là loại cây có quả vùng nhiệt đới, nhưng trái của nó phải nấu mới ăn được. Lá có bản rộng, lượn sóng, có nhiều rằn sứa theo hình xương cá dọc sống lá. Cây cao đến 7 – 8 mét.
Truyền thuyết về một Nho sinh già đã dùng lá chuối Ba Tiêu để thay giấy viết thư pháp. Ông đã tiến bộ và sau này nổi tiếng. Là biểu tượng cho sự rèn luyện, nghị học vươn tới thành công.
Được trang trí trên chất liệu gỗ như liễn, đối .. để thể hiện tài thư pháp. Ngoài ra còn ở trên đồ sứ, đồ thêu.
6.     Lá cọ (Bồ quỳ: Palm tree)
Cây phổ biến ở Việt Nam Trưng Quốc, thường dùng lá làm quạt. Quạt lá cọ còn gọi là Quỳ phiếm mang biểu tượng của những vị ẩn sĩ tài hoa.
Trong hội họa Trung Quốc (tranh sơn thủy) thường diễn tả người ẩn sĩ ngồi dưới gốc cây cọ, tay cầm quỳ phiếm trên mỏm đá cao gần ngôi thảo am
Trong kiến trúc cổ thường được thể hiện trong các ô hộc, bụng kèo, đòn tay với biểu tượng bát bửu (một trong 8 món quý của Lão giáo) là chiếc quạt thần kỳ của Chung Ly Quyền, một trong tám vị bát tiên của Lão giáo.
7.     Hoa cúc (Chrysanthemum)
Rất phổ biến ở Việt Nam và Trung Quốc, là loài hoa biểu tượng của mùa thu. Ngày xưa giới thượng lưu, quý tộc thường bày yến tiệc để thưởng thức hoa cúc nở và ngắm trăng (cúc nguyệt).
Cúc và chữ lưu (giữ lại) có cách phát âm giống nhau là Ju tháng chín là cửu đọc là Jin cũng đồng âm với từ cửu. Như vậy mang ý nghĩa là vĩnh cửu, sự trường thọ, bền bỉ.
Cúc còn biểu tượng cho niềm vui, sự an lạc, viên mãn và là “bạn đời” của những người từ quan hay nghỉ ngơi. Người Trung Quốc thường nhắc đến thi sĩ Đào Tiền (365 – 427) đã từ quan và cống hiến cuộc đời cho thi ca, nhạc, rượu, và trồng hoa cúc.
Là đề tài trang trí phổ biến nhất trong các cấu kiện kiến trúc cổ bằng gỗ với hình thức cúc dây, cúc leo, lá cúc … cúc hóa long, phượng, trĩ, cá … ở đầu, đuôi, bụng kèo, đòn tay, các ô hộc ở khung, đố cửa, khung thành vọng (ở gian thờ), các đồ gỗ trang trí nội thất …
8.     Cây đào (Peach)
Thuộc họ Rosaceae, loại cây cho trái quý của chốn thần tiên gọi là Tiên quả. Là loại quả làm dược liệu trị bệnh.
Ở miền Bắc thì hoa đào nở tượng trưng cho mùa xuân nhưng ở miền Trung như từ Huế vào thì là hoa mai. Đào là nét đẹp của người phụ nữ (sắc mặt như hoa đào).
Vì là loại quả quý ai ăn vào sẽ trở thành bất tử (cây trồng trong vườn Tây Vương Mẫu, 3000 năm mới kết quả một lần) nên nhấn mạnh về biểu tượng của quả đào là sự trường thọ, bất tử.
Trang trí phổ biến trên các kiến trúc gỗ với hoa đào cạnh hoa mai, hoa chanh, thị kết hợp với các hoa văn chữ vạn, tổ ong … Quả đào được trang trí với các dãi lụa, nơ thắt và còn xuất hiện trong đề tài Tam đa (Phước, Lộc, Thọ) với hình ảnh ông Thọ cầm quả đào tiên.
9.     Lá ngải (Artemisia)
Khá phổ biến trong kiểu thức trang trí bát bửu dân gian của Trung Quốc (ngọc rồng, đồng tiền vàng, hình thoi (kim cương), cái gương, khánh đá, pho sách, sừng tê giác, lá ngải). Và phổ biến trong biểu tượng bát bửu ở Huế. Mang ý nghĩa hạnh phúc, yên bình, phồn vinh. Thường trang trí ở các kiến trúc gỗ.
10.  Hoa lài (Jasmine)
Người ta còn gọi là kiểu thức “bông quỳ” cấu tạo cánh nhọn hơn bông lài và cấu trúc xếp lớp cánh hoa như nhau. Thỉnh thoảng xuất hiện ở những kiến trúc gỗ.
11.  Hoa lan (Orchid)
Có nhiều loại nhưng bao gồm địa lan và phong lan. Ít xuất hiện trên kiến trúc nhưng trang trí khá phổ biến trên đồ gỗ nội thất như trên các loại giá gỗ. Biểu tượng cho sự tương hợp, hòa đồng. Còn được ví như nét đẹp cần phải khám phá, thanh cao.
12.  Cây lê (Pear)
Truyền thuyết Trung Quốc vào năm 1053 trước công công nguyên có vị quan tên là Triệu Công nổi tiếng vô tư, công bằng, thanh liêm. Ông thường phán xử những vụ kiện dưới gốc lê hoang. Sự công minh trong phán xử. Cho nên cây lê là biểu tượng cho sự thông thái, sáng suốt và nhân đức. Cây lê còn sống lâu năm nên còn biểu tượng cho sự trường thọ. Nhưng hoa lê lại chóng tàn nên biểu tượng cho tính phù du.
Trong trang trí thường ở dạng kiểu thức bát quả: Đào, Lựu, Lê, Mận, Phật Thủ, Mãng cầu, Nho, Bầu; trong ngũ quả: Đào. Lựu, Phật Thủ, Lê, Mãng cầu hoặc tứ hữu: Lê, Lựu, Đào, Mãng cầu. Tất cả đều mang biểu tượng của sự đông đúc, phú quý, con cháu đầy đàn. Hoa lê không phổ biến trên các kiến trúc gỗ.
13. Nấm linh chi (Linh chi thảo: Plant of long life)
Là cây bất tử của giống nấm Polyporus lusidus, thường mọc trên rễ của các cây đại thụ hoặc ở các triền núi dựng cạnh vực sâu. Khi khô nó rất dai, người Trung Quốc biểu tượng cho sự trường thọ và bất tử. Là chất dinh dưỡng của các đạo sĩ của Đạo giáo như là món ăn thần thánh. Được trang trí dưới dạng hồi văn uốn vòng như những cánh hoa bám vào có dạng hình trụ như thân cây ở chạm trổ hoặc đồ đồng.
14. Cây lựu (Pomygranate)
Cây lựu Punica Grantta, truyền rằng nó được mang đến vùng Đông Á từ Thạch An quốc (Cabul) năm 126 trước công nguyên. Vì vậy, nó có tên là An Thạch Lựu. Lựu còn mang ý của mùa hạ. Biểu tượng chính của trái lựu vì nó có nhiều hạt (tử) như dưa, bầu, … là hình ảnh của sự đông đúc, phồn thực và khả năng sinh sản. Vì vậy nó mang ước vọng con cháu đầy đàn nhưng trật tự (cấu tạo bên trong của hạt lựu). Trang trí phổ biến ở bụng đòn tay, các ô hộc trong kiến trúc gỗ.
15. Cây mai (Plum)
Loại cây rất phổ biến ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Hoa nở báo hiệu mùa xuân. Năm cánh hoa mai là năm vị thần may mắn của ngũ phúc. Mai vừa biểu tượng của sự trường thọ, sự vững chãi (gốc mai chịu sức công phá của thời gian) cả phẩm chất đẹp lẫn mối tình nồng thắm hóa đôi (trúc mai).
Thường đề tài trang trí đi đôi như mai hóa long, hóa giao, hóa phụng. Trong tứ thời: mai, liên (sen), cúc, trúc hay bộ tứ quý: mai, lan, cúc, tùng.
Hoa mai được trang trí phức hợp chữ thọ, chữ công, tổ ong, nền mật vọng (mắt võng) hay một cụm mai bên khối đá trong kiến trúc gỗ hoặc đắp vôi, mãnh sành.
16. Mãng cầu (Custard Apple)
Còn gọi là quả na. Vì nhiều hạt nên mang biểu tượng tính phồn thực nhưng cũng mang ý nghĩa sự mãn nguyện, toại nguyện do liên tưởng sự đồng âm.
Thường trang trí độc lập trong các tranh nề có ô hộc như bức bình phong, tường (đắp vôi, tô màu, gắn mãnh sành), dưới bụng đòn tay.
17.  Mẫu đơn (Peony)
Ở Huế có tên là bông Trang. Cây hoa mẫu đơn Paeonia Arborea còn có tên là hoa vương hay phú quý hoa. Có nhiều màu nhưng chuộng nhất là mẫu đơn có cánh đỏ sẫm, viền vàng, nó còn có tên là mẫu đơn kim. Biểu tượng cho tình yêu, sự thương mến hoặc là nét đẹp của phụ nữ.
Trong trang trí thường kết hợp đề tài mẫu đơn – trĩ (chim trĩ).
18.  Cây nho (Grape)
Loại cây không phổ biến ở Việt Nam, nhưng thời vua Khải Định, hình ảnh dây, lá nho được trang trí phổ biến ở các kiến trúc ở Huế thời bấy giờ.
Đặc điểm cấu tạo lá nho, dây leo, chùm trái quấn quýt đã gợi sự đông đúc sum vầy. Đề tài được thể hiện bằng sự kết hợp hình ảnh nho – sóc khá phổ biến trong các đắp nổi trong tranh nề các bích họa, trong các bức chạm ở bụng kèo, các ô hộc nhà xưa.
19.  Phật thủ (Buddha’s hand)
Phật thủ Titrus Media, còn có tên là Hương Duyên Quả không ăn được. Mỗi múi Phật thủ vào phần cuối trở nên dài và nhọn như những ngón tay. Toàn bộ hình dáng của quả như hai bàn tay úp lại với nhau vì vậy có tên là Phật Thủ (bàn tay Phật). Hình ảnh này rõ nhất là bức tường ở đầu Chùa Cầu Hội An có đắp vôi hình dáng quả Phật Thủ.
Quả có mùi thơm dễ chịu nên được đặt trên những bát sành lớn nơi bàn thờ người Huế mỗi khi tết đến. Với biểu tượng nói lên sự giàu có, vinh hoa, phú quý, sự liên tưởng đến an bình, hướng thiện. Trang trí trên các ô hộc của kiến trúc cổ, đắp phù điêu bằng vôi vữa thường thể hiện với hai bàn tay úp vào nhau giữ chặt kim tiền để khỏi rơi tụt.
20. Hoa sen (Lotus)
Cây phổ biến ở Việt Nam mọc khắp nơi ở ao, hồ, đồng ruộng. Là loại cây dược phẩm trong y học. Có tên gọi riêng cho từng thành phần của cây như thân lá ngó sen (ngẫu căng); gương sen (liên thực), lá sen (hà diệp); củ sen dùng làm thức ăn. Nhụy sen (liên tu) dùng trong y học làm cầm máu. Hạt sen (liên tử) là hạt dùng để nấu món ăn cao cấp như chim hầm hạt sen, yến sào hạt sen … Còn tim sen (liên tâm) là dược liệu chữa bệnh mất ngủ.
Hoa sen được ví như hình ảnh của đức Phật thường là hình ảnh Phật đứng hoặc ngồi trên đài sen. Cũng là loại hoa liên quan đến Đạo giáo là vật biểu tượng của Hà Tiên Cô (một trong bát tiên của Lão giáo).
Là biểu tượng của ý nghĩa đạo đức: thuần khiết, không bị vấy bẩn, ô uế của bụi trần; tính kiên định (thân cây cứng rắn); sự thịnh vượng (cây mọc sum suê); con cái đông đúc (nhiều hạt) …
Đề tài thường thể hiện gồm lá, gương, hoa (búp + nở). Kết hợp quy hóa (sen hóa rùa). Phổ biến trong trang trí trên kiến trúc gỗ là đề tài sen – vịt (liên – áp), với ý nghĩa đồng âm trong tiếng Hán là liên đồng âm với từ liên là liên tiếp …Vịt tên chữ là áp đồng âm với áp là xích gần lại, gắn bó. Nên biểu tượng kết hợp này có nghĩa là sự hòa hợp, kep sơn trong đời sống lứa đôi.
21. Cây trúc (Bamboo)
Phổ biến trong trang trí ở các nước châu Á. Trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình mang biểu tượng của người quân tử (sống ngay thẳng, kiên định, lòng khiêm tốn, không câu nệ, chẳng chịu gập mình trước gió mưa).
Là biểu tượng cho sự sống bền bỉ, trường thọ, bất chấp mọi khắc nghiệt của thiên nhiên. Trong bộ tứ quý: mai, lan, cúc, trúc; kết hợp kiểu thức cây trúc già (thân, gốc, rễ) hóa long, hóa giao, hóa phượng … được chạm trổ trong các ô hộc của ngôi nhà xưa.
22. Cây tùng (Pine: xem cây bách)
Kiểu thức tùng – hạc là biểu tượng cao nhất của sự trường thọ, vững bền.
Ngoài các biểu tượng từ những cây hoa quả trên, người xưa còn dùng hình ảnh dạng dây, lá, nụ, mầm được cách điệu để trang trí trên nóc, mái nhà như mỏ cu, mỏ neo, guột mây hay mụt mây. Các tua dây chằng chịt làm khung viền, cửa võng, trang trí góc, đố bảng, trướng liễn …

II.            Hệ đề tài động vật
Gồm các nhóm:
     + Lông trần             : Con người
     + Lông vũ               : Phượng hoàng (phụng)
     + Lông phủ             : Kỳ lân
     + Giống có vảy       : Rồng, long mã
     + Giống có mai       : Rùa
Các giống thú nhà: trâu, ngựa, bò, heo, chó, dê, gà được gọi là lục súc. Trừ con chó, năm loài còn lại được xếp vào loại thú hiến sinh trong các hoạt động nghi lễ tế tự gọi là ngũ tính.
Về chủ đề chim thường có nội dung kết hợp là hoa điểu hay thụ - điểu và phổ biến các hình thức với 4 tư thế: phi (bay); minh (hót); túc (ngủ); thực (ăn). Các đề tài động vật thường được trang trí trong kiến trúc cổ:
1.     Con cá: thường là cá chép/ cá gáy
Trong tiếng Hán, chữ ngư là cá với chữ dù là thức thãi có cách phát âm là yu rất giống nhau nên cá mang ý nghĩa sự giàu có, sung túc.
Với cá chép hóa rồng/ lý ngư hóa long trong tích Lý khiên long môn/ cá chép vượt vũ môn. Biểu tượng ý chí rèn luyện, nỗ lực vượt lên trong tu luyện.
Trong trang trí được thể hiện ở máng xối thoát nước, hình đắp nổi trên bức bình phong, trên bờ nóc mái của kiến trúc (cổng vào Khuê văn các của Văn Miếu Hà Nội), bàn thờ gỗ của hậu điện Chùa Phúc Kiến Hội An) và phổ biến nhất ở kèo hiên của các nhà rường ở miền Trung.
2.     Con dơi (Bat)
Trong tiếng Hán từ liên bức để gọi chung các loài dơi (Chiroptera). Tên gọi là “phụ dực” chỉ tư thế treo mình với 2 chiếc cánh, tên khác “thiên thử” (chuột nhà trời) hay “phi thử” (chuột bay). Tiếng Hán chữ Bức (con dơi) đồng âm với chữ “Fou” với chữ phúc trong từ hạnh phúc. Vì vậy biểu tượng con dơi khá phổ biến ở các cung điện ở Huế với ý nghĩa hạnh phúc và sự trường thọ.
Trong những ngôi nhà Rường (Quảng Nam) hình ảnh con dơi ngậm vòng thường được trang trí ở tấm gia thu; tấm chéo lòng 3; hai đầu của bụng kèo, bụng đòn tay; các cánh sẽ/ kiến sẽ và rõ nhất là hình tam giác đắp nổi ở 2 đầu hồi (khu đĩ) với tư thế dang cánh. Kết hợp dơi lồng vào chữ thọ hoặc miệng ngậm dãi lụa hay song tiền (biểu hiện sự trọn vẹn). Trang trí với 5 con dơi là hàn ý “ngũ phúc lâm môn” (5 điều phước đến nhà), dơi ngậm quả đào …
3.     Chim hạc (Crane)
Hạc Grus Montignesia hay sếu Manchusian là một trong những con vật gắn liền với nhiều biểu tượng và truyền thuyết khác nhau. Với bốn loại hạc được phân biệt từ màu lông thì loại hạc màu đen có tuổi thọ cao nhất (600 năm).
Hình dáng con hạc với đôi cánh dang rộng, một chân co lên mang ý nghĩa chuyên chở linh hồn người chết trên lưng về miền cực lạc.
Hạc liên kết với rùa với hình tượng đứng trên lưng rùa (quy hạc). Trong hình tượng rồng thì mai rùa ví như vòm trời và phần dưới của nó phẳng như mặt đất. Vì vậy rùa mang sứ mạng gánh cả vũ trụ trên lưng. Trong sự kết hợp này, hạc và rùa được nhấn mạnh đến cứu cánh bất tử của quan niệm trong Đạo giáo. Kiểu thức này phổ biến trên các đôi chân đèn bằng đồng đặt ở bàn thờ. Còn Tùng hạc hoặc thạch – hạc – tùng thỉnh thoảng xuất hiện trang trí ở các ô hộc trong những ngôi nhà Rường.
4.     Con hươu/ nai (Deer)
Trong y học phương Đông, lộc hưu là loại dược liệu quan trọng trong việc bồi bổ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Vì vậy hình ảnh ông thọ trong kiểu thức tam đa: phước, lộc, thọ trùng hợp với phát âm giữa hai chữ lộc (lu): hươu và lộc (lu): tiền của cho nên hươu cũng biểu tượng cho sự giàu có, sung túc.
Đề tài hươu bên cội tùng (tùng – lộc) được trang trí ở các ô hộc và bụng kèo của nhà Rường.
5.     Kỳ lân (Unicorn)
Là một trong bộ tứ linh: long, lân, quy, phụng. Lân là con vật báo hiệu điều tốt lành, biểu tượng cho sự trường thọ, sự nguy nga đường bệ, niềm hạnh phúc lớn lao. Con dực được gọi là con kỳ, con cái gọi là con lân. Có hình dáng của một con hươu xạ, chiếc đuôi bò, trán sói, móng ngựa, da có 5 màu: đỏ, vàng, xanh, trắng và đen, dưới bụng có màu vàng, giọng kêu như tiếng chuông, có khi như nhạc cụ. Giống vật hiền lành, không ăn thịt, không dẫm lên bất cứ loài côn trùng nào. Con vật này xuất hiện thì báo hiệu có vị minh quân, nhà hiền triết sắp ra đời. Ở Trung Quốc, truyền thuyết nó xuất hiện vào triều vua Nghiêu, Thuấn và thời điểm Khổng Tử ra đời có sự phân biệt không rõ về kỳ lân, con Nghê, con Long Mã. Tuy nhiên theo quan sát (của người viết) thì con Long mã chắc chắn phải có chân móng ngựa và mình như cá. Và con Long mã theo truyền thuyết nó xuất hiện ở trên Sông Hoàng Hà dưới thời Phục Hy. Nó mang trên lưng cuốn thư Hà đồ (thường được thể hiện trong kiểu thức Long mã phụ Hà đồ) cơ sở cho việc hình thành lý thuyết về bát quái sau này.(2)
Trong lễ hội mừng trăng rằm mùa thu có múa Lân là hình thức cầu trời mưa để chống lại hạn hán. (Con Lân cũng như con rồng mang đến mưa móc). Con lân đặc biệt rõ nét là long mã thường trang trí ở các tấm liên ba/ khuôn xuyên bông hậu ở gian giữa của ngôi nhà rường và trên lưng thường mang thêm hình bát quái (có tô màu đỏ) nên có thể gọi là kiểu thức Long mã phụ Hà đồ.
6.     Con ngựa (Horse)
Nó được xếp vào hành hỏa và phương vị tương ứng là phương Nam.
Trong đền miếu người ta thờ hình tượng thần Bạch Mã bằng gốm sứ, gỗ, giấy … Trong kiến trúc gỗ là những hóc chạm đặt trong ô hộc được phối trí cạnh cây liễu vơi kiểu thức liễu – mã
7.     Phượng Hoàng (Phụng Phoenix)
Là vua tất cả các loài chim. Được mô tả có cổ họng của con chim nhạn, mỏ gà, cổ rắn, đuôi chẻ như đuôi cá với 12 chiếc lông dài rực rỡ, trán của con hạc, mào của con vịt xiêm … Lông của nó có 5 màu, tiếng hót như nhạc. Là con vật như Lân không giết hại côn trùng, làm hư hao cây cối, cư ngụ trên cây ngô đồng (Deryanda Cordifolia), ăn hạt hoa trúc và chỉ uống nước ở các thác phun. Là loài linh điểu, trứng của nó làm thức ăn cho thần thánh.
Theo truyền thuyết khi Khổng Tử ra đời, phượng hoàng bay trên trời cao, còn con Lân đang lững thững trên những ngọn đồi cạnh đó.
Trong kiến trúc của Phật giáo, hình tượng Phượng Hoàng được trang trí phổ biến ở đền chùa.
Con trống gọi là phượng (phụng) con mái gọi là hoàng. Chim phượng biểu tượng cho phúc lộc, chim phượng biểu tượng cho phúc lộc, chim hoàng là biểu tượng hoàng hậu nên trong các cung điện ở Huế nơi dành cho hoàng hậu, công chúa thường trang trí trên nóc mái hình chim hoàng. Trong biểu tượng trang trí với hình tượng người phụ nữ cao quý, người ta tạo hình ảnh chim phượng bên cạnh hình tượng con rồng của Hoàng đế. Phượng hoàng trong bộ tứ linh: long, lân, quy, phụng (phượng). Thỉnh thoảng trong kiến trúc gỗ ta bắt gặp được trang trí trên các ô hộc, các đầu đuôi kèo, các tấm chéo lòng kèo 2, 3 và được thể hiện dạng biến thể cúc hóa phượng.
8.     Con rồng/ Long (Dragon)
Là con thú linh, một loài động vật khác thường, kỳ quái, và có nhiều chủ đề về huyền thoại. Ở các tác phẩm điêu khắc cổ của người Việt từ đời Đinh, Lê đến Nguyễn đều có những phong cách tạo hình khác nhau.
Là vật biểu tượng cho Thiên tử, vua chúa (rồng năm móng) và thứ bậc quan lại (4 móng, 3 móng. Người xưa phân chia giống rồng làm 3 loại chính
-        Con Lung (Long) là giống có quyền lực nhất và thường cư ngụ ở trên trời.
-        Con Ly có sừng và sống dưới biển.
-        Con Giao mình phủ đầy vảy, sống ở đầm lầy và hang sâu trên núi.
Mô tả chung nhất là con Lung: đầu lạc đà, sừng hưu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng ếch, vảy cá chép, móng diều hâu, lòng bàn chân của con hổ có 81 vảy cứng trên dọc sống lưng. Trên mỗi bờ mép có râu dài lan tận cằm, là nơi có viên ngọc sáng. Nó có thể trèo cao, bay cao, thách thức với mây trời, lặn xuống tận đáy sâu.
Con rồng đứng thứ 5 trong 12 con giáp, biểu tượng của phương Đông, của mùa xuân. Trong các kiến trúc cổ con rồng xuất hiện khắp nơi ở các cung điện của hoàng gia. Ở những ngôi nhà Rường thì con rồng chỉ thể hiện dạng thấp hơn với dạng con Giao(3). Con Ly thường trang trí ở các đuôi kèo – đặc biệt kèo cù, Huế - (kèo ba), hoặc xà cù. Các kiểu thức gốc trúc, gốc mai hóa long, hóa giao được thể hiện phổ biến trong nhà rường.
CÒN TIẾP 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét