Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Thành phố Tam Kỳ - Xây dựng một thương hiệu toàn cầu.

 I. Hiện trạng tồn tại trong Quy hoạch đô thị về mặt chính sách và quản lý:
          Ba vấn đề chính của quy hoạch thành phố là mở rộng không gian đô thị, lấp đầy khoảng trống và chỉnh trang đô thị. Trình tự thủ tục quy hoạch từ định hướng 1/25000 đến 1/2000. Và quy hoạch 1/500 có nhiệm vụ triển khai cụ thể. Tuy nhiên, quá trình làm quy hoạch còn nhiều vấn đề:
          Đối với quy hoạch 1/25000 đến 1/5000:
          Đô thị hiện nay có thể được nhìn thấy rõ từ vệ tinh, có thể dễ dàng nhìn thấy được từng góc phố, không gian ba chiều của đô thị và có thể thấy rằng quy hoạch chưa dành cho chiều nhìn từ trên cao và cũng như chưa chú tâm đến chiều cao cũng như không đa chiều trong đô thị.

 




          Đối với quy hoạch mở rộng không gian đô thị và trong việc lấp đầy các khoảng trống thì cần xem xét lại định hướng đầu tư từ một góc độ về kinh tế đầu tư, việc đầu tư dàn trải làm thâm hụt vốn ngân sách và phải trông chờ vào các nguồn viện trợ từ ngan sách Trung ương. Quy hoạch bị sức ép của thị trường nhà đất và chịu sự chỉ đạo duy ý chí đã hình thành nên kiểu nhà chia lô và vẫn còn duy trì đến bây giờ. Bài học của Đà Nẵng sau mười năm xây dựng đã được các nhà  quy hoạch quản lý ngồi lại xem xét và rút ra được: chia lô băm nát bộ mặt đô thị để bán đất, hình thành một nếp sống thương nghiệp nhỏ, thích nghi với hệ xe máy và gây nên sự hỗn loạn mất trật tự về mặt xã hội, về đời sống, về không gian đô thị, về nếp sống đô thị trong một giai đoạn cần phải xây dựng một tác phong công nghiệp và một nền văn minh đô thị để hội nhập với xu thế phát triển toàn cầu.
Quá trình đô thị hoá tạo nên một số quy luật chung: sự tăng dân số, nhà ổ chuột, người nghèo đô thị và có sự chuyển dịch dân cư. Người đến vì đi học; người đến tìm cuộc mưu sinh: gia nhập đội quân hè phố đô thị, gia nhập đội ngũ công nhân của quá trình phát triển công nghiệp, gia nhập hệ thống viên chức, và các hệ thống công việc khác có thể mang lại lợi nhuận cũng như người đến vì môi trường sống - làm việc tốt hơn. Và kể cả những người dân nhường đất cho công nghiệp và được một chỗ định cư trong đô thị. Trong sự xáo trộn dân cư này, nếu tỷ lệ dân ngoại tỉnh tăng cao thì sẽ gia nhập và thay đổi lối sống của cư dân địa phương. Trong khi đó, Tam Kỳ, rất mong manh về những giá trị cần phải giữ.
Đối với quy hoạch 1/2000:
Quy hoạch chia lô thời kỳ đầu chia tách bị sức ép về tiến độ định cư, về thị trường vốn, về xây dựng đô thị đã phân lô dọc mặt tiền các trục đường mà không quan tâm đến sau lưng dãy nhà đó sẽ còn cái gì và sẽ phát sinh hậu quả gì sau đó. Điều này dẫn đến việc cần phải chỉnh trang đô thị hết sức phức tạp, vá víu gượng ép một cách hết sức lộn xộn.
Quy hoạch thường bị các nhà quản lý ép về tiến độ và trong khi đó, từng nét vẽ con đường được quy hoạch rất quan trọng. Các tuyến đường đô thị hiện trạng như: Điện Biên, Nguyễn Thái Học, Trần Dư ... là các tuyến nội thị có dân cư bám dọc đông đúc bị xoá hẳn trên bản đồ. Đến khi triển khai chỉnh trang gặp rất nhiều khó khăn, xáo trộn đời sống thị dân và gây ra lãng phí không cần thiết.
Đối với quy hoạch 1/500:
Đô thị cần có được sự tinh tế trong khi chúng ta ngóng cổ trông chờ vào một hướng dẫn thiết kế đô thị một cách không cần thiết và cứ tiếp tục triển khai những điều tương tự trong khi việc cần làm là định hướng quy hoạch chi tiết 1/2000 tốt hơn, triển khai quy hoạch 1/500 kỹ hơn và sau đó là một đội ngũ kiến trúc sư tốt hơn.
Hiện tại quy hoạch chi tiết Tam Kỳ đang nôn nóng được lấp đầy cũng như nôn nóng trong việc hoàn chỉnh có được quy hoạch thành phố.
Nỗi băn khoăn của chủ tịch thành phố về dân số, âu lo của Bí thư trong việc xin cơ chế, nguồn vốn từ Trung ương. Khái niệm về phát triển bền vững là tạo lập một môi trường đô thị mà dân chúng trong đó được sống lành mạnh, địa phương có được thị trường về vốn và thu hút được vốn, có một bộ máy quản lý trong sạch, minh bạch và có trách nhiệm đối với chức vụ.
Đô thị hoá có hiện tượng giả tạo: giả tạo về một sự phát triển kinh tế, giả tạo về một sự tăng trưởng bền vững và đó là tìh hình chung của các đô thị châu á. Nội lực tích tụ trong bản thân đô thị không đủ, chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn từ bên trên và từ bên ngoài. Nội lực của Đà Nẵng là từ đất đai, đất đai buôn bán đến một lúc sẽ hết, tiền thu được tiếp tục đầu tư và mở rộng. Đến một lúc đứng lại nhìn và nhận ra rằng: chỉ toàn là lô và lô, toàn nhà và nhà, nội thành nhà 3 tầng và ven đô là nhà cấp IV. Không gian đô thị vỡ vụn và bầy hầy. Đường mở ra đến đâu, nhà xây đến đó, không còn đất cho thế hệ mai sau để phát triển nội đô, không còn đất để phát triển không gian nghỉ ngơi, cây xanh mặt nước, không còn đất cho việc phát triển các trung tâm tài chính trong đô thị cho các nhà đầu tư thực sự chen chân. Đà Nẵng chỉ còn lại bài học về giải toả đền bù. Không còn tiền cho việc nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cho việc kiến thiết cảnh quan đô thị.
Cần thay đổi toàn diện về suy nghĩ, về động cơ người nhập cư và khả năng họ có thể chi trả cho cuộc sống đô thị. Mua một lô đất, khả năng xây được nhà đáp ứng mỹ quan đô thị là quá khả năng đối với người nhập cư. Trong khi nhu cầu về một nơi để ở của lứa tuổi thanh niên trong giai đoạn lập nghiệp thì quá nhiều. Kinh tế tư nhân của lớp trẻ thường phải phụ thuộc vào gia đình, suy ra trong cuộc sống, làm lung và để dành cho con cái vì bản thân chúng không thể tự quyết định được cho cuộc sống.
Kiến trúc cảnh quan:
Các vấn đề trong quy hoạch ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan đô thị như:
- Quy hoạch chỉnh trang 1/500 trong giai đoạn gần đây tạo ra vô số các góc nhọn, mảnh nhỏ và được xem như những tiểu công viên đô thị. Việc này trở thành một tiền lệ bừa bãi và dễ dãi không đúng với tinh thần quy hoạch kiến trúc cảnh quan đô thị về việc tạo các điểm nhấn đô thị cũng như các tiểu công viên.
Cây xanh đô thị, cần giải đáp về việc triệt hạ hàng trăm cây thuộc loại cổ thụ 7 năm tuổi trên đường Hùng Vương và việc không triệt hạ hai hàng cây hoa sữa trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Việc không nên thay đổi thì cũng đã làm, việc cần phải làm thì cũng đến lúc không thể trì hoãn. Điều cần thiết chính là suy nghĩ trong tư duy hành động của chính quyền đô thị.
Gần 10 năm sau khi chia tách với Đà Nẵng, Tam Kỳ không có thêm được công viên nào được thành lập, người dân chưa được  , ngày 5/10/2006 đô thị Tam Kỳ đã phấn đấu đạt đô thị loại III và Thành phố Tam Kỳ  tên chính thức của đô thị tỉnh lỵ Quảng Nam.
KTS Ken Yeang cho rằng, khi thiết kế cần phải xem xét tập hợp các mối quan hệ mà kiến trúc công trình sẽ và phải thiết lập với địa điểm xây dựng công trình. Kiến trúc sư phải xác định một cách có đánh giá những mối quan hệ nào là thích hợp với mỗi địa điểm và thời gian cụ thể. Như thế giải pháp đưa ra mới có thể tránh khỏi sự sao chép các hình thức bề ngoài của các công trình đã được xây dựng từ trước. Đây là một quan điểm cơ bản trong việc tìm ra một phong cách biểu hiện mới cho ngôn ngữ kiến trúc ở một vùng cụ thể.
II. Quy hoạch đô thị cần yếu tố Nhân văn - xã hội:
Với công tác tư vấn quy hoạch: nằm ở mức độ sâu hơn, cần tâm niệm rằng, tất cả những sản phẩm làm ra đều phải phục vụ cho lợi ích của con người.Từ trên tinh thần trên,  dựa trên các kiến thức cơ bản và kinh nghiệm thu lượm được trong quá trình làm việc để phát hiện ra các vấn đề, có 3 vấn đề thực tế tại địa phương như sau:
 1/. Quy hoạch Thị xã Tam Kỳ - Trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam đã không chú trọng đến việc tổ chức các không gian nghỉ ngơi trong đô thị. Có ba loại không gian nghỉ ngơi giải trí mà theo đó cả việc phân bố lẫn số lượng đất đều là những yếu tố quan trọng: Khoảnh chơi -sân chơi và sân chơi lớn.
Khoảnh chơi là sân chơi dành cho trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo, nên được bố trí trong tầm nhìn của tất cả các căn nhà trong nhóm nhà có quy mô từ 30-60 hộ. Các sân chơi này được trang bị những thiết bị như: xích đu, đường trượt, hộc cát, bãi tập thể dục, chỗ để chạy bộ, chơi ném vòng, một phần của sân chơi nên được lát gạch. Phần lớn trẻ nhỏ chịu sự quyến rủ của những vật thể như những bức tường thấp, những khúc gỗ, và những hình dạng thông thường như những đường rãnh cạn và những ngọn đồi nhỏ hoặc một số hình thức đóng kín: hàng rào giậu, giàn che nắng và những chiếc ghế dài cho bố mẹ của chúng.
Sân chơi, được tính cho các đơn vị ở  thiết kế cho lứa tuổi từ 6-14 tuổi. Vị trí phù hợp với một sân chơi là vị trí kề bên một trung tâm sinh hoạt cộng đồng hoặc trường tiểu học, nơi mà người ta có thể coi sóc trẻ em nô đùa. Sân chơi này có riêng một khu vực để bố trí các dụng cụ và cần một không gian trống để chơi tự do. Có một sân đấu nhỏ chơi các trò như bóng ném, quần vợt, bóng chuyền và bóng rổ và một nơi cho những hoạt động tĩnh như làm thủ công, và nơi kể chuyện.
 Sân chơi lớn dành cho những người trẻ tuổi và người lớn mang lại nhiều hoạt động thể thao giải trí khác nhau, cự ly phục vụ từ 800 -1500m, phục vụ cho nhu cầu của một xã hoặc 1 đơn vị hành chính cấp phường có quy mô từ 5.000-15.000 dân. Bao gồm sân bóng đá, bóng ném, đá cầu, cầu lông, sân khấu ngoài trời, câu lac bộ...
Người ta chỉ làm việc 8 tiếng mỗi ngày, người ta làm gì vào trước và sau khoảng thời gian từ (8h đến 17h hàng ngày). Chúng ta có 6 h cho việc ngủ, 2 h cho việc di chuyển ngoài đường, 2- 3 tiếng cho việc ăn sáng và ăn trưa. Chúng ta còn 4 - 5 tiếng mỗi ngày cho việc xem tivi và các hoạt động giải trí khác mỗi ngày. Con cái chúng ta được choi trên vỉa hè, thời gian để di chuyển từ nhà đến khu vui chơi công cộng phải tốn thêm thời gian mặc quần áo, dắt xe máy, gửi xe máy trong khi quỹ thời gian dự kiến chỉ co -2 tiếng đồng hồ đã làm cho đa số cư dân ngại ra đường, ngại tiếp xúc. Vậy thì thời gian nào và khoảng không nào dành cho giao tiếp cộng đồng? Việc quy hoạch các dãy nhà lô phố, cơ chế đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, khai thác cân đối tài chính đầu tư và có lãi đã tạo ra các khu dân cư thật buồn tẻ. Con người sống trong các khu dân cư nầy đã không được các nhà quy hoạch và các cấp lãnh đạo chính quyền quan tâm đúng mức đến cái gọi là bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc.
2/.  Quy hoạch Khu Kinh tế Mở Chu Lai hơn 30.000 ha là phân bố tất cả các đất đai mà không lưu tâm đến quỹ đất trống tự nhiên. Mượn cách nói của người La Mã để đặt lại vấn đề: Cái gì của tự nhiên hãy trả lại cho tự nhiên.
Không gian mở trong đô thị thường được xem là không gian thư giãn, và do vậy, nó được sử dụng vào việc nghỉ ngơi công cộng. Tuy nhiên, không gian nầy được phân thành các loại hình. Có không gian chỉ làm chỗ cho sân chơi hoạt động của trẻ con thanh niên và người lớn. Và cũng có những không gian dành cho việc nghỉ ngơi một cách thụ động hơn của người lớn, những không gian này nói chung mang ý nghĩa của một nơi nghỉ ngơi tiêu khiển. Một loại hình không gian khác cũng đang được bỏ qua, đó là việc bảo tồn những khu vực thiên nhiên ở bên trong lẫn bên ngoài đô thị. Việc bảo tồn này có thể thực hiện được ở dưới hình thức những vành đai xanh để đóng vai trò như những khoảng đệm giữa những chức năng sử dụng đất khác nhau ( Khu ở - Khu công nghiệp), hoặc nó có thể trở thành khu dự trữ những không gian (mà những không gian này) có ý nghĩa về lịch sử hoặc địa dư cá biệt, hoặc nó có thể là một không gian địa hình không phù hợp với những điều kiện về xây dựng những khu phát triển mới của đô thị.
          Những tiêu chuẩn về không gian mở trong đô thị không thể xác định một cách thoả đáng cho những khu vực được đòi hỏi trong một đô thị, với tất cả các phân loại không gian nầy, một phần do sự khác biệt của các đô thị hình thành từ những cách thức mà trong đó vị trí tự nhiên của khu đất được hình thành và được quy hoạch. Những không gian được quy định cho những chức năng giải trí dược xác định không phải là biện pháp đầy đủ để tạo ra một sự tương xứng với nhu cầu về nghỉ ngơi trong bất kỳ tình huống nào, một khu vực đất tưởng tượng tương xứng với quy mô dân số là một phần của việc quy hoạch không gian nghỉ ngơi giải trí trong đô thị. Chính sự phân bố không gian nầy như thế nào mới là thước đo sự tương thích, chứ không chỉ đơn thuần diện tích mà được.
3/. Vấn đề thứ ba là việc quy hoạch cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện trạng bắt buộc phải có sự tham gia của người dân.
          Khi nào thì quy hoạch nên có sự tham gia của người dân? Cần phải xem xét lại rằng trong quy hoạch trước đây chỉ dựa trên các giá trị trừu tượng: hoặc liên quan đến thẩm mỹ, hoặc liên quan đến tính hợp lý về  kinh tế- kỹ thuật, và dĩ nhiên hệ thống giá trị quy chiếu này chỉ thích hợp với những người có học vấn cao và đã có những kinh nghiệm phong phú có liên quan đến quy hoạch.
          Quy hoạch đô thị có sự tham gia của người dân không thể đặt nó vào trong một không gian tri thức hoá đến như vậy, mà chỉ có một nguyên tắc cơ bản là chỉ lấy không gian người dân đã từng sinh sống trong đó và đã từng nhận thức  như nó vốn có để làm nền tảng thực sự cho những tính toán quy hoạch.
          Nhân tố con người tác động vào quá trình quy hoạch đô thị với tư cách vừa là chủ xướng, vừa là chủ thể của hành động. Chắc chắn là họ không muốn chấp nhận tiếp tục để cho khung cảnh sống hàng ngày của họ bị biến đổi theo những logíc xa lạ với mình. Việc sử dụng khái niệm này hàm ý phải đặc biệt coi trọng những thoả mãn về mặt cảm xúc mà việc sử dụng không gian có thể mang lại cho mỗi người dân địa phương trong thực tế nhận thức và thực tế đời sống tâm lý riêng. Những thói quen mà mỗi người dân phố dần có trong việc làm quen với không gian khu phố của mình chính là nền móng của quá trình họ đồng hoá không gian đô thị ấy để thu được những thoả mãn cá nhân. Sự lặp đi lặp lại mãi của những cử chỉ hàng ngày như vậy đã tạo thành những tập tục ở cấp vi mô, rồi dần dần, những tập tục vi mô ấy sẽ tạo thành ý thức về sự thích hợp của không gian quy hoạch. Trong tiến trình quy hoạch đô thị tham gia, điều cần được cân nhắc và cần được tăng thêm giá trị đó là: tổng số niềm vui ấy của mỗi người dân phố có liên quan.
          Nếu phương pháp quy hoạch chiến lược trước đây giúp cho các nhà cầm quyền nhận ra rằng cơ chế biến đổi đô thị chỉ có thể nhận ra và hiểu được sau những thời đoạn dài của lịch sử kinh tế thì với quy hoạch đô thị tham gia, lại nhấn mạnh rằng có một cái gì rất căn bản đang xảy ra ngay trong cuộc sống thường nhật của người dân, ngay trong khoảnh khắc hoàn toàn tức thì của của những nhận thức về không gian đô thị, và rằng họ sẽ xao lóng những mục tiêu khá hiện thực, nếu tự cho phép mình không nghiên cứu một cách tinh tế và kỹ lưỡng những giá trị mà việc sử dụng chỉ có tính bản địa này.
Còn rất nhiều vấn đề cần phải thảo luận trong phương pháp nầy để chọn ra một cách làm đúng cho mỗi trường hợp, tuy  nhiên, vượt trên mọi khía cạnh thực tiễn, việc sử dụng phương pháp quy hoạch có sự tham gia của người dân sẽ làm sáng tỏ các giá trị nhân văn như một lĩnh vực văn hoá mà mọi chuyên gia làm quy hoạch đều phải am hiểu, không thể tạo ra hạnh phúc cho các nhóm dân cư mà lại không cần hỏi xem họ muốn gì?
Tam Kỳ tháng 12/2006.                                                                                                                    KTS. Huỳnh Quốc Hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét