“Hàng ngàn năm trước đây, có một người lần đầu tiên
tìm ra cách tạo ra lửa. Người đó có lẽ đã bị thiêu sống bằng chính ngọn lửa mà
anh ta dạy những người anh em của mình cách thắp lên. Anh ta bị coi là một kẻ
xấu vì đã có quan hệ với ma quỷ, thứ mà loài người luôn khiếp sợ. Nhưng từ đó trở đi, loài người có lửa để giữ ấm, để nấu
nướng, để thắp sáng trong hang động. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ
từng không hiểu và anh ta đã xa bóng tối ra khỏi trái đất này.
Nhiều thế kỷ sau, có một người lần đầu tiên tạo ra cái
bánh xe. Người đó có lẽ đã tan xác dưới những bánh xe mà anh ta dạy những người
anh em của mình cách làm. Anh ta bị coi là một kẻ phạm tội vì đã mạo hiểm vào
vùng đất cấm. Nhưng từ đó trở đi, loài người có thể đi tới mọi chân trời. Anh
ta đã để lại cho họ một món quà mà họ đã không hiểu được và anh ta đã mở những
con đường trên mặt đất.
“Những người đó
những người không chịu phục tùng và luôn đi đầu đứng ở chương mở đầu của tất cả
những truyền thuyết mà loài người ghi lại về thuở sơ khai. Promete đã bị xích
vào một tảng đá và bị những con kềnh kềnh xé xác bởi vì anh đã ăn cắp ngọn ngọn
lửa của những vị chúa trời. Adam bị buộc phải chịu đau khổ bởi vì anh ta đã ăn
quả cấm trên cây Thiện Ác. Dù truyền thuyết gì đi chăng nữa, ở sâu trong trí
nhớ, loài người biết rằng vinh quang của chúng ta đã bắt đầu từ một cá nhân và
các cá nhân đó đã phải trả giá cho lòng dũng cảm của mình.
Ảnh lấy từ BBC. Xăm mình ở Mexico
“Trong những
thế kỷ qua, đã có những người đặt bước chân đầu tiên của họ trên những con
đường mới, họ không được trang bị vũ khí gì ngoài tầm nhìn của riêng họ. Họ có
mục đích khác nhau, nhưng tất cả đều có một số điều chung: bước chân của họ là bước chân đầu tiên, con đường của họ là con đường
hoàn toàn mới, nhãn quan của họ không hề do vay mượn, và phản ứng mà họ nhận
được luôn là sự căm ghét. Những nhà phát minh vĩ đại, những nhà tư tưởng, những
nghệ sĩ, những khoa học, những nhà sáng chế đều phải đơn độc chống lại những
người cùng thời với họ. Tất cả những ý tưởng mới và vĩ đại đều bị lên án. Động
cơ máy đầu tiên, bị coi là ngu xuẩn. Chiếc máy bay đầu tiên bị coi là không
tưởng. Chiếc máy dệt đầu tiên đã bị coi là ác quỷ. Việc gây mê bị coi là tội
lỗi. Nhưng những người đó, với tầm nhìn không vay mượn, vẫn tiếp tục tiến lên. Họ
đã chiến đấu, họ đã đau khổ và họ đã phải trả giá. Nhưng họ đã chiến thắng.
“Một người sáng
tạo không bao giờ bị thôi thúc bởi khát vọng phục vụ đồng loại của anh ta, bởi
vì chính đồng loại của anh ta luôn chối bỏ món anh ta đem tặng họ, đồng thời
món quà đó phá huỷ cuộc sống bình thường của anh. Anh sáng tạo vì động cơ duy
nhất: Chân lý. Chân lý của riêng
anh, và lao động của riêng anh để đạt tới chân lý theo cách riêng của anh. Mục
đích và cuộc đời anh nằm ở một bản giao hưởng, một quyển sách, một cổ máy, một
trường phái triết học, một cái máy bay hay một toà nhà. Nó không nằm ở máy nghe
nhạc, người đọc sách, người vận hành máy, người đi theo trường phái triết học,
người đi máy bay hay người sống trong ngôi nhà mà anh ta tạo ra ấy. Sự sáng tạo
chứ không phải những lợi ích mà người khác được hưởng từ sự sáng tạo ấy. Sáng
tạo là cách anh ta thể hiện chân lý của mình. Anh ta đặt chân lý này bên trên
mọi thứ, bất chấp tất cả loài người.
“Tầm nhìn, sức
mạnh, và lòng dũng cảm của anh ta đến từ linh hồn của chính anh ta. Tuy nhiên
linh hồn của một người lại chính là cái tôi của anh ta. Cái tôi là thực thể làm
công việc nhận thức. Cái tôi có chức năng tư duy, cảm giác, đánh giá và hành
động.
“Những người sáng tạo luôn là những người có
cái tôi. Cái tôi chính là toàn bộ bí mật về sức mạnh của họ, cái tôi ấy tự đầy
đủ trong bản thân nó, tự vận động trong bản thân nó, và tự tái tạo trong bản
thân nó. Cái tôi là nguyên nhân đầu tiên, là nguồn năng lượng, là động lực
sống, là cội rễ của tất cả. Người sáng tạo không phục vụ cái gì và không phục
vụ bất cứ ai khác. Anh ta sống vì chính bản thân mình.
“Và chỉ có bằng
cách sống vì bản thân, anh ta mới có thể đạt được những thành tựu vinh quang
của loài người. Đó chính là bản chất của sự
thành công.
“Loài người chỉ
có thể tồn tại nhờ trí tuệ của mình. Loài người đến trái đất mà không được
trang bị vũ khí nào. Bộ óc là thứ vũ khí duy nhất của họ. Động vật kiếm thức ăn
bằng sức mạnh cơ bắp. Loài người không có răng vuốt, không có răng nanh, không
có sừng, họ cũng không có sức mạnh cơ bắp vượt trội. Loài người phải tự trồng
trọt hoặc săn bắn để có thức ăn. Để trồng trọt họ phải có một quá trình tư duy. Từ nhu cầu đơn giản nhất này cho những
đến khái niệm tôn giáo trừu tượng nhất, từ cái bánh xe cho đến toà nhà chọc trời,
tất cả những gì con người có đều đến từ thuộc tính đơn nhất của loài người đó là
chức năng tư duy của bộ óc.
“Nhưng bộ óc
lại thuộc về cá nhân. Không có cái gọi là bộ óc tập thể. Không có cái gọi là ý
nghĩ tập thể. Một thỏa thuận do một nhóm người đạt được thực ra chỉ là một thỏa
hiệp hoặc là giá trị trung bình rút ra từ những ý nghĩ cá nhân. Đó chỉ là một
hệ quả có tính phái sinh. Hành động chủ yếu tức là quá trình tư duy phải do mỗi
cá nhân thực hiện độc lập. Chúng ta có thể chia một bữa ăn cho nhiều người.
Nhưng chúng ta không thể tiêu hoá nó trong một cái dạ dày tập thể. Không có ai
có thể sử dụng phổi của mình để thở cho người khác. Không ai có thể sử dụng bộ
não của mình để nghĩ hộ kẻ khác. Tất cả mọi chức năng của thể xác và linh hồn
đều có tính cá nhân. Chúng không thể bị chia sẻ hoặc chuyển giao cho người
khác.
“Chúng ta thừa
kế những sản phẩm tư duy của người khác. Chúng ta kế thừa cái bánh xe. Chúng ta
tạo ra một chiếc xe ngựa. Xe ngựa thô sơ trở thành xe ô tô. Ô tô trở thành máy
bay. Nhưng trong suốt quá trình đó, những cái gì chúng ta nhận được từ những
người khác chỉ là sản phẩm cuối cùng trong quá trình tư duy của họ. Cái động cơ
thúc đẩy quá trình này chính là khả năng sáng tạo, nhờ nó mà chúng ta lấy những
sản phẩm cuối cùng kia làm nguyên liệu để sử dụng và sáng tạo ra sản phẩm mới.
Khả năng sáng tạo này không thể đem cho hoặc nhận, không thể chia sẻ hoặc vay
mượn. Nó thuộc về các cá thể người đơn lẻ. Khả năng sáng tạo là tài sản của
người sáng tạo. Loài người có thể học lẫn nhau. Nhưng học chỉ là sự trao đổi
nguyên liệu. Không ai có thể cho ai khả năng tư duy. Và khả năng tư duy ấy lại
là phương tiện duy nhất giúp chúng ta tồn tại.
“Loài người
không được cho sẵn bất cứ cái gì trên mặt đất này. Tất cả những gì anh ta cần
anh ta phải làm ra chúng. Và ở đây loài người đối mặt với lựa chọn cơ bản nhất
của mình: anh ta chỉ có
thể tồn tại được một trong hai cách: bằng
cách làm việc độc lập với bộ óc của riêng anh ta, hay là trở thành một kẻ ăn
bám sống nhờ bộ óc của những người khác. Người sáng tạo chọn chọn
cách thứ nhất. Kẻ ăn bám chọn cách thứ hai. Người sáng tạo một mình đối mặt với
tự nhiên. Kẻ ăn bám đối mặt với tự nhiên thông qua những trung gian.
“Mối quan tâm
của người sáng tạo là chinh phục tự
nhiên. Còn mối quan tâm của kẻ ăn bám là chinh phục con người.
“Người sáng tạo
sống với lao động của mình. Anh ta không cần ai khác.
Mục
đích cơ bản của anh ta là chính bản thân anh ta. Kẻ ăn bám sống cuộc đời thứ
cấp. Anh ta cần những người khác. Những người khác trở thành động lực chính của
anh ta.
“Nhu cầu cơ bản của người sáng tạo là sự độc lập. Một
bộ óc biết tư duy không thể hoạt động dưới sự cưỡng bức theo bất cứ hình thức
nào. Nó không thể bị đóng yên cương, không thể hy sinh hay khuất phục trước bất
cứ điều gì. Nó đòi hỏi sự độc lập tuyệt đối trong cả chức năng và động cơ. Đối
với một người sáng tạo, tất cả những mối quan hệ với con người đều là thứ yếu.
“Nhu
cầu cơ bản của một kẻ thứ sinh là củng cố quan hệ của anh ta với mọi người để
được họ nuôi sống. Anh ta đặt quan hệ lên trên hết. Anh ta tuyên bố rằng loài
người tồn tại là để phục vụ người khác. Anh ta rao giảng về chủ nghĩa vị nhân
sinh.
“Vị nhân sinh là học thuyết đòi hỏi con người phải
sống vì người khác và đặt những người khác lên trên bản thân mình.
“Không ai có
thể sống vì người khác. Một người không thể chia sẻ linh hồn anh ta, cũng giống
như anh ta không thể chia sẻ thể xác của anh ta. Nhưng những kẻ sống thứ sinh
đã sử dụng chủ nghĩa vị nhân sinh như một vũ khí để lợi dụng và đảo ngược lại
những nguyên tắc đạo đức cơ bản của loài người. Loài người đã được dạy dỗ tất
cả những giới luật để phá huỷ người sáng tạo. Loài người đã được dạy dỗ rằng
phụ thuộc lẫn nhau chính là một đức hạnh.
“Một người cố
gắng sống vì nguời khác là một người luôn lệ thuộc. Anh ta là một kẻ ăn bám
trong động cơ của mình, và anh ta cũng biến những người mà anh ta phục vụ thành
những kẻ ăn bám. Mối quan hệ này chẳng tạo ra cái gì ngoài sự suy đồi cho cả
hai bên. Cái gần nhất với quan hệ này trong thực tế chính là chế độ nô lệ. Nếu
nô lệ về mặt thể xác là đáng ghê tởm, thì nô lệ về tinh thần còn ghê tởm đến
mức nào? Kẻ bị buộc làm nô lệ vẫn còn chút danh dự. Vì anh ta còn dám chống lại
chế độ nô lệ và coi nó là xấu xa. Còn những người tự biến thân mình thành nô lệ
nhân danh tình yêu thương họ là những vi sinh vật thấp hèn nhất. Họ đã hạ thấp
phẩm giá con người và hạ thấp khái niệm tình yêu thương. Thế mà đây chính là
cốt lõi của chủ nghĩa vị nhân sinh.
Ảnh lấy từ BBC. Xăm mình tập thể ở Mexico
“Loài người đã dạy đỗ rằng đức tính tốt đẹp nhất không
phải là đạt được
một
cái gì đó mà là cho đi một cái gì đó. Nhưng một người không thể cho đi những gì
mà anh ta không tạo ra. Đầu tiên phải có sáng tạo, sau đó mới là phân phối, nếu
không thì chẳng có gì để phân phối cả. Phải có người sáng tạo trước khi có
những người hưởng lợi từ sự sáng tạo. Thế mà chúng ta lại được dạy dỗ để ngưỡng
mộ những kẻ sống thứ sinh, những kẻ phân phát những món quà mà họ không tạo ra,
chúng ta được dạy để xếp họ lên trên những người đã sản sinh ra những món qùa
đó. Chúng ta ca ngợi công việc từ thiện.
Nhưng chúng ta lại nhún vai coi khinh những nổ lực để thành công.
“Loài người đã được dạy đỗ rằng mối quan tâm đầu tiên
của họ là giúp cho người khác bớt đau khổ. Nhưng đau khổ là một căn bệnh. Chỉ
khi có những
người
bị bệnh thì mới cần có người đến để giúp giảm bớt sự đau khổ. Còn nếu biến việc
giảm đau khổ thành phép thử lớn nhất của đức hạnh thì chúng ta đã biến khổ đau
thành một thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Do vậy người ta sẽ mong muốn
được những người khác đau khổ để người ta có thể trở thành người đức hạnh. Đó chính
là bản chất của chủ nghĩa vị nhân sinh. Trong khi đó người sáng tạo không quan
tâm đến bệnh tật, họ quan tâm đến cuộc sống. Nhưng công việc của người sáng tạo
lại giúp loại bỏ hết bệnh này đến bệnh khác, cả bệnh tật của thể xác lẫn bệnh
tật của tâm hồn. Thành quả của họ giúp giảm nhẹ đau khổ hơn bất cứ một người
theo chủ nghĩa vị nhân sinh nào có thể làm.
“Loài người đã
được dạy dỗ rằng đồng tình với người khác là một đức hạnh. Nhưng người sáng tạo
lại luôn bất đồng. Loài người đã được dạy dỗ rằng bơi theo dòng nước là một đức
hạnh. Nhưng người sáng tạo luôn bơi ngược dòng. Loài người đã được dạy dỗ rằng
đứng tụ tập bên nhau là một đức hạnh. Nhưng người sáng tạo lại luôn đứng một
mình
“Loài người đã
được dạy đỗ rằng cái tôi luôn đồng nghĩa với sự xấu xa, và việc không có cái
tôi là đức hạnh lý tưởng. Nhưng người sáng tạo là người vị kỷ theo nghĩa tuyệt
đối, còn người không có cái tôi là kẻ không tư duy, không cảm nhận, không đánh
giá và không hành động. Bởi
vì tư duy, cảm nhận, đánh giá và hành động là những chức năng của cái tôi.
Đây là chỗ mà sự đánh tráo khái niệm này có tác dụng
khủng khiếp nhất. Sự đánh tráo này đưa con người đến chỗ không có lựa chọn và
không có tự do.
Thay
vì hai thái tốt và xấu, chúng ta còn hai khái niệm: vị kỷ hay vị nhân sinh. Sự
vị kỷ bị coi là hy sinh những người khác cho bản thân mình. Còn vị nhân sinh
trở thành hy sinh thân mình vì những người khác cho bản thân mình. Điều này đã
vĩnh viễn trói một người vào những người khác và khiến cho anh ta không còn sự
lựa chọn nào khác ngoài sự đau khổ: sự đau khổ mà anh ta phải mang vác để
thoả mãn người khác là sự đau khổ mà anh
ta gây ra cho người khác để thoả mãn bản thân anh ta. Đến khi người ta thêm vào
một điều khoản rằng con người phải tìm kiếm niềm vui trong việc hy sinh bản
thân thì cái bẫy đã hoàn toàn sụp xuống. Con người bị ép phải coi khổ dâm là lý
tưởng vì nếu không họ chỉ còn một lựa chọn là bạo dâm. Đây là vụ lừa đảo lớn
nhất mà loài người đã thực hiện.
‘Đây chính là công cụ mà theo đó sự phụ thuộc và đau khổ được duy trì như nền tảng
của cuộc sống. Sự lựa chọn mà chúng ta phải có không phải là sự hy sinh bản
thân và hy sinh người khác. Sự
lựa chọn phải là giữa sống độc lập và sống lệ thuộc. Giữa nguyên tắc
sống của người sáng tạo với nguyên tắc sống của những kẻ thứ sinh. Đây chính là
vấn đề cơ bản. Nó là lựa chọn giữa sống và chết. Nguyên tắc sống của người sáng tạo được xây
dựng trên những nhu cầu của một bộ óc biết tư duy và do đó giúp con người tồn
tại được. Nguyên tắc sống của những kẻ thứ sinh được xây dựng trên nhu cầu của
một bộ óc không có khả năng tồn tại. Tất cả những gì bắt nguồn từ cái tôi độc
lập của con người đều lành mạnh. Tất cả những gì bắt nguồn từ sự lệ thuộc của
con người và người khác đều xấu xa.
“Người vị kỷ theo nghĩa tuyệt đối không bao giờ bắt
người khác hy sinh cho mình. Anh ta sống vượt ra ngoài nhu cầu sử dụng những
người khác, dù dưới bất của hình thức nào. Anh ta không hoạt động thông qua họ.
Trong những lĩnh vực cốt lõi nhất tức là trong mục đích, động cơ, khát vọng,
năng lực anh ta không quan tâm tới người khác. Anh ta không sống vì bất cứ ai
và anh ta không yêu cầu ai phải sống vì anh ta. Đây là hình thức duy nhất để
tình bằng hữu và sự tôn trọng lẫn nhau giữa người với người có thể tồn tại.
Năng lực của mỗi người có thể khác nhau, nhưng nguyên
tắc cơ bản vẫn giữ nguyên: mức độ độc lập, chủ động, và
tình yêu công việc của một người là yếu tố quyết định tài năng của anh ta với
tư cách một con người. Sự độc lập là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá
phẩm chất và giá trị của loài người. Anh ta là ai và anh ta tự tạo ra cái gì,
chứ không phải anh ta đã làm được và không làm được gì cho người khác. Không có
gì có thể thay thế được phẩm giá cá nhân. Và không có tiêu chuẩn nào khác cho
phẩm giá cá nhân ngoài tính độc lập.
“Tất
cả những quan hệ hợp lý đều không có chuyện người này phải hy sinh về người
khác. Một kiến trúc sư cần có khách hàng, nhưng anh ta không đặt lao động của
anh ta xuống dưới nhu cầu của khách hàng. Khách hàng cần kiến trúc sư, nhưng họ cũng không ký hợp đồng xây nhà chỉ vì họ muốn cho anh ta tiền
công xây dựng. Loài người trao đổi sản phẩm lao động với nhau thông
qua sự đồng thuận tự nguyện vì lợi ích của cả hai bên, khi lợi ích cá nhân của
cả hai bên cùng được thảo thuận và họ cùng mong muốn có trao đổi đó. Nếu họ
không muốn có trao đổi đó, họ không bắt buộc phải làm việc với nhau. Họ có thể
tìm kiếm người khác. Đây là mối quan hệ bình đẳng duy nhất có thể có ở loài
người. Bất cứ những dạng quan hệ nào khác đều chỉ là mối quan hệ giữa chủ và
tớ, hoặc giữa nạn nhân và đao phủ.
“Chưa
từng có công trình nào được hoàn thành nhờ tập thể, nhờ quyết định của đa số.
Tất cả những thành tựu trong công việc sáng tạo đều được thực hiện dưới sự chỉ
đạo của một suy nghĩ cá nhân đơn nhất. Một kiến trúc sư cần rất nhiều người để
xây nên một toà nhà. Nhưng anh ta không yêu cầu họ biểu quyết về bản thiết kế
của mình. Họ làm việc cùng nhau thông qua thoả thuận tự do và mỗi người trong
họ đều tự do hoạt động trong bổn phận hợp lý của mình. Một kiến trúc sư sử dụng
thép, kính, bêtông, do người khác sản xuất ra. Nhưng nguyên liệu vẫn chỉ là
thép, kính và bêtông cho đến khi người kiến trúc sư chạm vào chúng. Những gì
anh ta làm với chúng là sản phẩm và tài sản của riêng anh. Đây là hình thức hợp
pháp, hợp lý duy nhất giữa người với người.
“Quyền đầu tiên của con người trên trái đất này là quyền có cái tôi.
Bổn phận đầu tiên của một con người là bổn phận với chính mình. Nguyên tắc đạo
đức của anh ta là không bao giờ để người khác quyết định mục đích sống của anh
ta. Bổn phận đạo đức của anh ta là phải làm những gì anh ta khao khát, miễn là
khao khát đó không do người khác quyết định. Bổn phận đạo đức này phải chi phối
sự sáng tạo, tư duy và lao động cảu anh ta. Nhưng kẻ ăn cướp, những kẻ theo chủ nghĩa vị nhân sinh, hay
những kẻ độc tài dĩ nhiên không sống theo bổn phận này.
“Một
con người luôn nghĩ và làm việc một mình. Một con người không thể ăn cắp, lợi
dụng hay cai trị một mình. Ăn cắp, lợi dụng hay cai trị luôn đòi hỏi phải có
nạn nhân. Chúng bao hàm sự lệ thuộc. Chúng là lãnh địa của những kẻ sống thứ
sinh.
“Những
người cai trị người khác không phải là những người vị kỷ. Họ chẳng tạo ra cái gì
cả. Họ tồn tại hoàn toàn thông qua những người khác. Mục đích của họ nằm trong
đối tượng mà họ cai trị, trong hành vi nô dịch hoá người khác. Họ cũng lệ thuộc
cũng chẳng kém gì những người ăn xin, những người làm công tác xã hội và lũ trẻ
cướp. Ở đây, hình thức lệ thuộc không quan trọng.
“Nhưng
loài người đã được dạy dỗ để coi những người sống thứ sinh những tên bạo chúa,
những ông hoàng, những kẻ độc tài như những ví dụ tiêu biểu của lòng vị kỷ. Qua
sự đánh tráo khái niệm này. Loài
người bị lừa vào chỗ huỷ diệt cái tôi của bản thân họ và của những người khác.
Mục đích của sự lừa đảo này là để huỷ hoại những người sáng tạo. Hoặc để kìm
kẹp họ. Hai điều này thực ra là một.
“ Từ lúc bắt đầu của lịch sử loài người, hai đối thủ
đã luôn đứng đối mặt nhau: người sáng tạo và người sống thứ sinh. Khi người
sáng tạo đầu tiên tạo ra cái bánh xe, kẻ sống thứ sinh lập tức đáp lại. Anh ta
tạo ra chủ nghĩa vị nhân sinh. Người sáng tạo mặc dù bị chối bỏ, thù nghịch,
ngược đãi và bóc lột vẫn đi tiếp về phía trước và kéo cả loài người đi theo
bằng sức của mình. Những kẻ sống thứ sinh không đóng góp gì vào quá trình này ngoài
việc gây ra những trở ngại. Trận đấu bây giờ được khoác một cái tên mới: cá nhân chống lại tập thể.
“ Lợi ích
chung’ của tập thể đã được chọn làm quyền và lý do để bào chữa cho tất cả chế
độ chuyên chế bạo ngược đã từng có trong
lịch sử loài người. Cái tập thể đó có thể là một sắc tố, một giai cấp,
hay một quốc gia. Tất cả những ác mộng trong lịch sử đều được thực hiện với
động cơ trá hình là chủ nghĩa vị nhân sinh. Đã từng có hành vi ích kỷ nào có
sức phá hoại ngang với những thảm hoạ chết chóc do những người đi theo chủ
nghĩa vị nhân sinh gây ra? Lỗi nằm ở chỗ loài người không có đạo đức hay ở chỗ
nguyên tắc đạo đức của loài người đã sai từ trong bản chất? Những tên đao phủ
khủng khiếp nhất lại thường là những người nhiệt tình nhất. Họ nhiệt tình tin
rằng có thể đạt được một xã hội hoàn hảo nhờ máy chém và đội hành quyết. Không
ai nghi ngờ quyền giết người của họ bởi vì họ giết người với động cơ vị nhân
sinh. Người ta chấp nhận việc ai đó phải hi sinh vì những người khác. Diễn viên
có thể thay đổi, nhưng nội dung vở bi
kịch thì vẫn giữ nguyên. Một người đấu tranh cho nhân quyền luôn khởi đầu bằng
những tuyên bố về tình yêu nhân loại và luôn kết thúc bằng một biển máu. Điều
đó đang diễn ra và sẽ tiếp tục diễn ra chừng nào loài người vẫn còn tin rằng
một hành vi được coi là đức hạnh nếu nó không xuất phát từ cái tôi. Niềm tin
này cho phép những kẻ theo chủ nghĩa vị nhân sinh hành động và ép buộc nạn nhân
của họ phải chấp nhận điều đó. Những người lãnh đạo của những phong trào tập
thể luôn tuyên bố không cần gì cho bản thân họ. Nhưng hãy quan sát những gì họ
đã gây ra. (còn tiếp…)
Trang 1145 đến 1159. Trích Suối Nguồn (The Fountainhead) của Ayn Rand
Người dịch: Nhóm Phan Việt
Người trích KTS. Huỳnh Quốc Hội
Đọc lời bào chữa của Howard Roark, suy nghĩ về hành động của Cù Huy Hà Vũ (2/2)
http://thichnhathuy.blogspot.com/2012/03/oc-loi-bao-chua-cua-howard-roark-suy.html
- Some insist that a tall building should look tall, where others use every device they can to make a tall building look shorter. How about yours?Trả lời nhận xét này
- Cuốn The Fountainhead này được đưa vào chương trinh giảng dạy ờ VN huh Bác? Năm 1984, khi tui học lớp Literature, cô giáo "ra lịnh" sv ra hiệu sách mua cuốn này về đọc thêm. Tuy nó không nằm trong syllabus nhưng cô giáo tuyên bố là sẽ nằm trong final exam. Tên nào không đọc thì cắn bút ráng chịu... Cuối cùng; chẳng có gì xãy ra hehehe... Hình như cô giáo đó là môn đồ của chủ nghĩa vị nhân sinh (?)Trả lời nhận xét này
- Người đọc tự thay "tập thể = Bộ CT; chủ nghĩa vị nhân sinh = chủ nghĩa Ma" thì xem mùi vị thế nào?