Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Tam Kỳ, Khu đô thị mới dành cho ai ở?

Khu đô thị mới sẽ dành cho con người nào?
                                                      ThS. KTS Huỳnh Quốc Hội
(Bài viết theo yêu cầu của Phòng Quản lý Đô thị Tam Kỳ cho Hội thảo về về xây dựng Khu đô thị mới tại Quảng Nam 12/2014)
Tóm tắt: Có những đô thị rất đẹp, nhưng tại sao người ta chỉ thích sống ở trung tâm, nơi có giá trị lịch sử, vì ở đó mang lại nhiều sự tương tác giữa những cá nhân, có sự đa dạng chiều kích, và có một quá trình diễn biến thay đổi và được gắn liền với nhận thức mỗi cá nhân qua thời gian. Do vậy, điều quan trọng để một đô thị xây dựng trên đất trống được thành công, cần phải quan tâm đến các yếu tố: nhấn mạnh mối quan hệ giữa các hoạt động và không gian, logic của hành vi với không gian, không gian nào hỗ trợ hoặc ngăn cản một số loại hành vi ... mà không đơn thuần chỉ là giải bài toán thuần kỹ thuật hay thuần  kinh tế. Và 253 mẫu hình chi tiết trong thiết kế đô thị của A. C là một cuốn sách tham khảo quan trọng đáng chú ý, có thể vận dụng trong quá trình quy hoạch và thiết kế đô thị.

Với phương thức sản xuất và nền kinh tế đi trước hàng trăm năm, các đô thị phương Tây đang hướng đến các giá trị sống tốt, sinh thái, phát triển bền vững mà việc học hỏi theo đòi hỏi các đô thị châu Á phải mất nhiều thời gian và chi phí lẫn quá trình tư duy cho phù hợp với thời điểm bối cảnh, điều kiện khí hậu,  xã hội tại đất nước và địa phương mình.
Và tuy những lý thuyết, mô hình phương Tây đã đi trước đô thị Phương Đông hàng trăm năm, nhưng vẫn có thể đi tắt đón đầu, dựa trên đích chung nhất là đi tìm mẫu người cho thiên niên kỷ, con người thế hệ thời kỳ hậu phát triển công nghiệp, hậu kinh tế thị trường, chuẩn bị môi trường sống cho một con người, thế hệ của con người hậu tư bản.

Tam Kỳ là một đô thị loại 3, quy mô 72 ngàn dân cho nội thị và 34 ngàn dân cho khu vực ngoại thị và cảm nhận chung về đô thị qua 17 năm, đất đai Tam Kỳ vẫn còn trống (theo quan niệm chia lô lấp đầy), tốc độ phủ lô chậm. Theo thống kê của Neikkei Sekki khi là quy hoạch chung, trong vòng 6 năm, dân số Tam Kỳ chỉ chênh lệch từ 101 ngàn (2008) lên 106 ngàn (2013).
Trong quy hoạch xây dựng tại Tam Kỳ cũng tồn tại nhiều khái niệm: Quy hoạch Làng văn hóa Tam Phú, Khu dân cư và tái định cư, Khu dân cư, Khu tái định cư, Khu phố mới Tân Thạnh, đến bây giờ là xuất hiện khái niệm Khu đô thị, Khu đô thị mới.
Quy chuẩn Việt Nam 01/2008 định nghĩa khái niệm 1) Khu đô thị: là khu vc xây dng mt hay nhiu khu chc năng ca đô th, được gii hn bi các ranh gii t nhiên, ranh gii nhân to hoc các đường chính đô th.  Khu đô th bao gm: các đơn v ; các công trình dch v cho bn thân khu đô th đó; có th có các công trình dch v chung ca toàn đô th hoc cp vùng. 2)        Khu : là mt khu vc xây dng đô th có chc năng chính là phc v nhu cu và sinh hot hàng ngày ca người dân đô th, không phân bit quy mô.
                                
Khu dân cư gần đây tương đối thành công của Tam Kỳ là Khu phố mới Tân Thạnh, đã bán được gần 80% quỹ đất, tỷ lệ xây dựng cũng đạt khoảng gần 50%. Thành phần dân cư cũng tương đối đa dạng, nhưng sơ lược nhìn qua thì nhà cửa xây mới khang trang hơn các khu ở của Tam Kỳ. Khái niệm Khu phố mới là trong ý đồ có bố trí khu vực thương mại tại trung tâm để tạo nên các hoạt động kinh tế trong khu vực quy hoạch, tạo nơi phố mua sắm, buôn bán, tổ chức các hoạt động tạo thị để khu vực sống động có sinh khí. Tuy nhiên, UBND Tỉnh sau đó đã chọn vị trí khu vực Thương mại, điều chỉnh quy hoạch tạo thành một lô tổng thể 4 ha xây dựng hoàn chỉnh Nhà khách UBND Tỉnh 7 tầng, biến khu vực thương mại quy hoạch thành khu dịch vụ cư trú do Nhà nước quản lý. Như vậy, khái niệm khu phố (thương mại) hoặc khu đô thị gắn liền với một trong 2 hoạt động tạo thị là “đô” hoặc là “thị”. Trong khi khái niệm “đô” thiên về hành chính, thụ động ở quy mô đơn điệu của cấp Tỉnh lẻ, thì khái niệm “thị” lại mang nghĩa rộng hơn là một thị trường, từ một “chợ” phục vụ cho chính nội tại khu vực, đến các hoạt động thương mại, kinh tế hàng hóa “xuất khẩu – giao dịch” với bên ngoài khu vực để mang lại dòng tiền từ bên ngoài vào khu vực đó, và điều này tạo nên sự sống động và phát triển cho đô thị đó.

Các khu dân cư Tam Kỳ, định hình được điều gì trong mô hình cư trú, hay là Ai, mua đất và sống trong các khu ở hiện nay?
Trước năm 1997, Tam Kỳ là thị xã thuộc Tỉnh, vùng nội thị xã bó hẹp trong phạm vi 3.300 ha kẹp giữa sông Bàn Thạch và đường sắt gồm 6 phường Nội thị và Phường Trường Xuân nằm phía trên đường sắt với dân cư khoảng 40 ngàn. Giai đoạn này, trừ khu vực sầm uất đoạn Phan Chu Trinh, Trần Cao Vân, Nguyễn Thái Học thì dân cư Tam Kỳ vẫn là dân nghèo đô thị, tồn tại hàng trăm năm, chen chúc nhau trong các hẻm kiệt lâu đời của các xóm Bò, xóm Mắm, xóm Tứ Bàn, là các khu vực gần chợ Tam Kỳ. Người nghèo sống quanh chợ, đi bộ gần, không có xe gắn máy, đừng nói đến ôtô. Kinh tế của Tam Kỳ giai đoạn này vẫn là kinh tế nội tại, tự lực tự túc, tự tiêu và không ẩn chứa tiềm lực để phát triển.
Sau năm 1997, tách Tỉnh và được chọn làm vị trí làm Trung tâm Tỉnh lỵ của Tỉnh Quảng Nam, Tam Kỳ được Ngân sách đầu tư xây dựng thêm nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng, và hàng ngàn cán bộ từ các nơi được tăng cường từ Đà Nẵng vào lẫn thuyên chuyển từ các huyện xuống, được cấp đất, cấp nhà để yên tâm công việc xây dựng Tỉnh lỵ và Tỉnh Quảng Nam phát triển. Chỉ tính riêng Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Tỉnh Quảng Nam thì số cán bộ đã hơn 700 người, Bệnh viện Tỉnh, Tỉnh đội, Công An cũng tương đương, và các Sở Ban ngành, các công ty, gần 20 chi nhánh ngân hàng cũng khoảng chừng đó. Dân số Nội thị Tam Kỳ tăng vọt từ 40 ngàn lên 70 ngàn trong vòng gần 10 năm (có khoảng 10 ngàn do nâng cấp khu vực xã thành Phường).
 Nhu cầu giai đọan này là nhu cầu định cư, cần một cái nhà. Các Quy hoạch chia lô gấp rút được lập và triển khai, mỗi Sở được làm chủ đầu tư một khu vực: Sở Tài nguyên khu dân cư số 1, Sở Giao thông khu Nguyễn Văn Trỗi, Sở Công An khu dân cư Công an, Khu dân cư Biên phòng, khu dân cư Bưu điện, khu dân cư Sở Xây dựng, ... Và người ở trong các khu dân cư này là cán bộ, từ khắp nơi thuyên chuyển về tăng cường cho tỉnh lỵ: Quế Sơn, Núi Thành, Hiệp Đức, Điện Bàn, Duy Xuyên, và đông nhất là từ Đà Nẵng. Phần lớn cán bộ nằm trong 2 trạng thái, một là cán bộ lớn tuổi đi vài năm rồi về, hai là cán bộ trẻ, quyết tâm ổn định chỗ ở để lập nghiệp phát triển. Một bên là tạm trú, một bên là tạm cư. Như vậy, bộ mặt kiến trúc đô thị của Tam Kỳ giai đoạn này khá là nhếch nhác. Đến khi Khu phố mới Tân Thạnh, xã hội Tam Kỳ đã qua một giai đoạn tích lũy, nhà cửa đã khang trang hơn. Nhưng có lẽ câu chuyện khang trang đó chỉ nằm ở một số thành phần, và gần như là hết.

Việc xây dựng khu đô thị hiện nay cần suy tư về ba vấn đề.
1) Động lực phát triển đô thị hay mở rộng các khu đô thị trong thành phố
Cần phải nhìn nhận lại động lực để phát triển  đô thị hiện nay là đang nằm ở đâu trước khi quyết định mở rộng đô thị và phát triển các khu vực dân cư. Với vị trí trung tâm Tỉnh lỵ hiện nay đặt tại Tam Kỳ, đã bị thiên lệch về Nam, do vậy, không có tác động hoặc tạo được nhiều ảnh hưởng về thương mại – sản xuất – trao đổi hàng hóa với các huyện phía Bắc thuộc tỉnh (Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc...); một phần là do các địa phương này có tiềm lực kinh tế tương đương và đang bị sức hút cực mạnh từ quá trình đô thị hóa của Đà Nẵng, đô thị loại I, trực thuộc Trung Ương, trung tâm của Miền Trung nằm ở phía Bắc Tỉnh lỵ. Mặt khác, mô hình Khu Kinh tế làm động lực cho sự phát triển, có thể giúp phát triển Tam Kỳ đã không thành công do Chu Lai không thể cất cánh như mong đợi.
Do vậy, tuy mong muốn xây dựng đô thị Tam Kỳ to hơn, phát triển hơn, với đà thắng lợi của Khu phố mới Tân Thạnh để tiếp tục, phát triển mở rộng xây dựng đô thị về phía Bắc. Nhưng có lẽ, cũng còn những ngập ngừng trước những tính chất động lực tạo thị, khi biểu hiện ở những sự việc: đất đai các khu vực phân lô khác vẫn còn, còn một số trục dọc đô thị đang dự kiến mở, xây rồi liệu có bán được không khi ai sẽ mua, ai sẽ bỏ tiền xây nhà hoành tráng được như khu phố mới Tân Thạnh, nhưng ở đây có thể đến lúc thêm vào một câu hỏi mà mọi người đang cố tình lảng tránh, ai sẽ ở và văn hóa nào sẽ định hình cho một nếp sống dân cư đô thị cho khu vực  này?


                          Chèn hình







                Chèn hình

Hình 3. QH Khu phố mới Tân Thạnh
Hình 4. Khu phố mới Tân Thạnh sau khi chuyển đổi chức năng khu vực Thương mại sang dịch cụ cư trú.

Ba câu hỏi, thực ra là một. Anh/chị/bạn muốn xây dựng nên những ngôi nhà y như những khu trước đây, từ Khu số 1, số 9 đến khu Tân Thạnh với kiểu chia lô gắn với mạng ô cờ dễ quản lý, thông thoáng với xe ô tô, nhưng hạn chế về không gian đi bộ, tụ tập (theo kiểu có tính đến tâm lý, lối sống, sự phát triển trí tuệ, nhân cách, tính nhăn văn, đáp ứng cho các lứa độ tuổi... chứ không phải bố trí một không gian công cộng hay một công viên bảo đó là chỗ tụ tập).

2. Môi trường con người ở các nước tư bản đỉnh cao có phải là đích hướng đến?
Trả lời cho Ba câu hỏi trên, thử lần lại quá trình định cư của nước Mỹ, xem họ đã làm gì và làm như thế nào, bối cảnh xã hội của họ là gì?
Quá trình đô thị hóa của Mỹ, đã bắt đầu từ khi phát minh ra động cơ hơi nước, bắt đầu cho một quá trình phát triển công nghiệp NẶNG thời kỳ đầu. Và nhu cầu ở của giai đoạn này là là đáp ứng cho một số đông KHỔNG LỒ công nhân, những – cái – máy – lao – động, khi mỗi người chỉ thực hiện một công đoạn duy nhất trong một dây chuyền có hàng ngàn công đoạn. Trải qua những phát minh về điện khí hóa, và nhờ Internet thập niên 1990, hình ảnh những công nhân lấm lem dầu mỡ, làm việc cực nhọc trong các phân xưởng cơ khí hầu từ các nước tư bản đã được chuyển giao sang các nước đang phát triển làm nơi sản xuất, gia công cho mình cũng như gánh chịu rủi ro về tài nguyên về môi trường. Kinh tế các nước phát triển đã chuyển sang nền kinh tế trí thức, sử dụng bàn phím, trí óc, công nghệ vượt trội để tạo ra giá trị tích lũy lớn hơn. Do vậy, con người công – nghiệp với mô hình định cư chen chúc, chỉ để ngả lưng ngủ trong những khu chung cư 7-8 tầng leo bộ, san sát nhau không có cây xanh, không có ánh mặt trời đã thay đổi. Thế giới phát triển hiện nay đã đủ tích lũy để định hướng, đầu tư theo hướng đô thị sống tốt, đô thị thân thiện, đô thị sinh thái, đô thị sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, gió, nước để dần thay thế cho việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, năng lượng hóa thạch...
Con  người của tư bản hiện nay, chưa nói đến việc được hưỏng thụ, nhưng xu hướng và trong lý thuyết, trong suy nghĩ, việc ở, việc sống của con người cần phải được quan tâm, vừa sống vừa làm việc vừa có khả năng tái tạo năng lượng tinh thần và thể xác để tiếp tục phát huy thể lực và trí tuệ cho công việc để xã hội mỗi lúc mỗi phát triển, chứ không phải là bóc kiệt sức lao động. Nhà không phải chỉ ở, để ngủ, để ru rú trong đó, mà nhà phải kết hợp với khu vực xung quanh, trở thành một môi - trường - ở đúng nghĩa. Môi trường đó, kết hợp với intenet không giới hạn, với bàn phím, có thể trở thành là một văn phòng cơ quan làm việc không giới hạn quốc tịch, màu da, biên giới, lãnh thổ. Đó là con người thứ hai, thế hệ thứ hai, thế hệ hậu công nghiệp của tư bản chủ nghĩa, ta cũng thấy thích khi phấn đấu để trở thành con người đó.
Và cũng tuần tự như vậy, chậm hơn, lại trong bối cảnh toàn cầu luôn biến đổi,Việt Nam từ một nước thuần nông, đóng cửa, thể chế dị biệt, đã nhận ra rằng chỉ có con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa thì đất nước mới phát triển. Nhưng hiện nay Việt Nam vừa mới bước chập chững vào giai đoạn công nghiệp (nặng/ gia công thô) thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản (là nơi sản xuất chuyển giao từ các nước phát triển, nhưng cũng có phần nhân văn hơn so với thời kỳ đầu công nghiệp tại các nước đó) với mục tiêu đủng đỉnh là đến 2020 trở thành nước có nền công nghiệp. Một bước đi gắng sức sau đó là gia nhập WTO, tham gia vào một nền kinh tế với 172 thành viên, đa dạng, rối loạn. Nhưng lúc này, thế giới của “Những kẻ đi nhanh” đã đủ tích lũy, đủ hưởng thụ chán với việc sử dụng ô tô, máy lạnh, thức ăn nhanh để bây giờ chuyển qua giai đoạn đi xe đạp, ăn rau, và hít thở không khí trong lành của thiên nhiên. Và trong khi họ đang tìm cách thoát ra khỏi sự chi phối của dòng tiền tư bản thì hàng triệu người ở các nước đang phát triển , đang mơ ước đến quá khứ của các nước phát triển đã trải qua để phấn đấu mục tiêu công nghiệp hóa. Quy luật phát triển tuần tự có thể là một tất yếu của lịch sử, nhưng chúng ta có thể học được những thất bại của nó bằng cách tư duy khẩn trương, tốc độ vượt trội gấp 1,5 gấp 2 hay 3 lần  hơn so với thời gian thường có (1 phút, 1 giây, 365 ngày) để rút ngắn khỏng cách giữa ta và thế giới, để đến năm 2030, thay vì đạt mục tiêu công nghiệp, thì ta có thể đã ngang bằng với họ (thế giới phát triển) bằng tư duy con người.
Nhưng thực ra, về bản chất “những kẻ đi nhanh” chỉ thay đổi chút ít từ việc một công nhân bị khai thác sức lực, đến việc một công nhân cổ cồn trắng thì bản chất bị bóc lột, bản chất của sự tích lũy, tích tụ tư bản thì đồng tiền vẫn chi phối các thước đo các giá trị con người. Vậy thì, có phải chăng con người thế hệ hai của tư bản chủ nghĩa đó vẫn còn là nô lệ của đồng tiền, chuyển từ nô lệ máy móc hơi nước, điện khí, chuyển sang làm nô lệ cho bàn phím, vẫn chỉ nỗ lực kiếm tiền, làm công cụ cho tư bản, làm nô lệ cho dòng tiền. Ta là ai, ta từ đâu đến, đến để làm gì, và cuộc sống vì chính mỗi con người chúng ta, chứ không phải chạy theo niềm mơ ước bắt chước. Con người của tương lai sắp đến, của giai đoạn hậu công nghiệp này là gì?
Đó là một câu hỏi đã được Đức Phật đi tìm từ hơn 2.000 năm trước, và có lẻ Ngài đã thành công. Nhưng Ngài đã bảo rằng, con đường ta đi, không thể diễn đạt lại bằng lời, và không ai có thể hiểu được, con đường là của mỗi người, với thể trạng – trí thức – tâm giác ngộ khác nhau thì quá trình diễn biến đó là nhanh hay chậm hay có thể là không bao giờ đến đích. Đạo là đích đến, và như lời Đức Phật, có thể diễn dịch tương tự rằng, mỗi một dân tộc, mỗi một cộng đồng, dựa trên vị trí địa lý, điều kiện địa hình khí hậu, bản chất tập tục và quan trọng là đủ độ suy tư để tư duy một con đường thoát khỏi tuần tự lẽ thường để đạt đến một đích mong muốn như là con người hậu công nghiệp chăng?
Có lẽ quá khó để thay đổi nhận thức sống giản đơn có thể có hạnh phúc nhưng chẳng phải có một Tây Tạng và một Bhutan làm minh chứng cho chỉ số hạnh phúc, hay một Hội An không bị tàn phá trong suốt 300 năm do bị lãng quên trong phát triển.

3. Những bài học của thế giới khi nghiên cứu các cộng đồng văn hóa khu ở đô thị.
Mangin 1970, Epstein 1972, Turner and Fichter 1972, các học giả này nghiên cứu một loạt chỉ số được cho là quan trọng đối với một cộng đồng tốt như: quan hệ cộng đồng, độ an toàn, tình người, tình đoàn kết, ý thức bảo vệ, tinh thần làm chủ của cư dân, sự làm chủ cuộc sống của người dân, cơ hội kiếm sống độc lập để có được một cuộc sống đủ phẩm giá, tính tổ chức cộng đồng v.v. Những nghiên cứu này đã chỉ ra rõ ràng là người dân và cộng đồng mới là mấu chốt trong một khu đô thị, chứ không phải là nhà cửa, kỹ thuật hay vật chất.
Một tiếng nói rất có tầm ảnh hưởng khác của ngành nhân chủng học đô thị là Lisa Peattie 1987. Khi tham gia một số dự án quy hoạch thực tế dưới tư cách cố vấn, bà nhận ra là mặc dù những tiêu chí như “hiệu quả, nhân văn, cộng đồng, bình đẳng” v.v. được đưa ra làm mục tiêu quy hoạch nhưng trên thực tế quy hoạch hoàn toàn không đạt được những điều đó vì giữa người quy hoạch và người dân hoàn toàn không có cùng một tiếng nói, một hình dung. Pettie cho rằng những nhà quy hoạch khi đề ra những tầm nhìn mơ mộng về đô thị hiện đại, phát triển v.v. đã hoàn toàn không biết ai là người đang và sẽ sống ở đó. Họ tưởng tượng ra những chủ nhân hoàn toàn khác cho đô thị của mình.      Mọi sự phát triển đô thị từ nền đất trắng đều rất khó khăn, phải sau một thời gian dài đô thị mới ổn định được trong khi đó,  đô thị lịch sử thường có một số giá trị xã hội tốt hơn đô thị mới.
Festinger et al.1950; Whyte 1956 cho rằng một số đặc điểm môi trường nhất định sẽ làm tăng xác suất xảy ra một số quan hệ, hành vi xã hội nhất định, từ đó tăng xác suất tụ tập của một nhóm người thường có dạng quan hệ hoặc hành vi này. Gerald Suttles, 1972 phân tích là với một số cấu trúc khu ở đặc biệt hấp dẫn đối với một số nhóm đối tượng nhất định có thể làm tăng xác suất lôi kéo được nhóm này tới định cư. Những cộng đồng cư dân đó được gọi là cộng đồng được trù tính trước – constrived community. Tuy nhiên, ta cần biết khái niệm này chỉ áp dụng cho những cộng động với đặc điểm rất đơn giản (chẳng hạn gia đình có con nhỏ)
Theo Pierre Bourdieu thì một cộng đồng không chỉ là tổng của những cá thể, mà nó có giá trị, sức mạnh riêng. Không những thế, cộng đồng chính là đơn nguyên tạo ra sự phát triển đô thị, chứ không phải là các cá thể. Tất cả những gì dẫn đến sự gắn bó cộng đồng này: tên chung, lịch sử, ngành nghề, dòng tộc, tín ngưỡng, quê hương, địa điểm, văn hóa v.v. đều là những cấu hình tạo nên tư bản xã hội – social capital. Có điều là những giá trị phi vật thể này có quan hệ tương đối lỏng lẻo với môi trường. Theo Michelson 1977 thì người ta không dễ dàng chủ động tạo ra được những giá trị phi vật thể này một cách chắc chắn bằng những giải pháp không gian, môi trường.  Vai trò của quy hoạch đô thị trong khía cạnh này là rất khiêm tốn. Nhà quy hoạch không thể khẳng định sẽ tạo ra những giá trị phi vật thể nào. Anh ta chỉ có thể tạo ra những điều kiện cần để chúng có thể nảy sinh và đảm bảo không gây ra những thảm họa. Những thập kỷ cuối của thế kỷ 20, ngành quy hoạch đã phải bằng lòng với nhận thức  là việc của quy hoạch là cung cấp mảnh đất màu mỡ, tưới tiêu đầy đủ, còn thì hạt nào gieo sẽ tự mọc thành cây đó.
Và do đó, càng ngày, người ta tìm cách tối ưu hóa những không gian nhỏ nhất, cho từng hoạt động, từng nhu cầu xã hội cụ thể. Hàng nghìn những cải tiến nho nhỏ sẽ có hiệu quả tốt hơn là một thay đổi vĩ mô. Và một trong các nghiên cứu đặc biệt quan trọng của Christopher Alexander về cấu trúc ngữ pháp của không gian đô thị. Qua quan sát, tổng kết những không gian thực tế ở đô thị, ông rút ra được 253 mẫu không gian nhỏ, tối ưu cho những hoạt động, tâm lý của con người. N.K Salingaros đã bình luận về một số mô hình của A.C trong cuốn Các nguyên tắc cấu trúc đô thị: MỞ RA ĐƯỜNG PHỐ là một hệ quả tất yếu (the corollary): những người đứng trên vỉa hè có thể cảm thấy được kết nối với các chức năng bên trong một tòa nhà, được tạo nên bởi những phần mở ra trực tiếp. RÌA CÔNG TRÌNH cũng thế, nó thúc đẩy cuộc sống, các  điểm nút cho người đi bộ và có hình dạng uốn khúc cần thiết như họ đòi hỏi. CÁC NGĂN HOẠT ĐỘNG tiết lộ rằng bất cứ không gian công cộng nào chỉ có thể thành công khi rìa của nó chứa đựng và bao hàm những điểm nút thành công dành cho người đi bộ. CÁC MẶT TIỀN CỦA NHỮNG TÒA NHÀ vạch rõ ranh giới rìa công trình của một đường phố, trong khi đó những khoảng lùi công trình giống nhau “gần như luôn luôn tàn phá giá trị của các khu vực mở giữa các tòa nhà”. HÌNH DẠNG LỐI ĐI quy định các điểm nút của người đi bộ dọc theo một lối đi, và chúng sẽ làm biến dạng (deform) mọi bờ rìa thẳng trở thành một hình thái có tính phân dạng cao hơn. 
 Kết luận
Và trở lại với việc xây dựng Khu đô thị mới ở Tây Bắc thành phố Tam Kỳ, xây cho ai ở và cộng đồng văn hóa nào sẽ hình thành gia nhập cộng đồng thành phố. Việc xây dựng các đô thị (khu đô thị) tại những nơi đất trống thường thuận lợi, nhưng việc nó tồn tại thế nào để góp phần là một thực thể văn hóa, tăng trưởng trong mỗi đô thị thực sự là một vấn đề nan giải mà trong lâu dài, phải mất khoảng 2 thế hệ mới trở thành một đô thị lịch sử, nhưng theo hướng nào vẫn là một vấn đề đau đầu. Vì vậy, quá trình thiết kế cần tạo ra tối đa các hoạt động kinh tế, tạo ra tối đa các không gian, các điểm nhìn, các điểm mốc có thể giao tiếp giữa người và không gian, giữa con người và với đa dạng các hoạt động của con người trong khu vực.
Sinh thái không phải là xanh rộng có nhiều hồ nước, có người phục vụ chăm sóc bảo dưỡng. Khu đô thị mới không phải là khu đô thị mới xây, mà là “mới” theo kiểu một chủ thuyết mới. Chủ thuyết mới đó có thể là một khu vực đô thị có sức hấp dẫn về kinh tế tạo thị, kinh tế phát triển, có khả năng thu hút được tiền bên ngoài đổ vào để nuôi sống đô thị, có khả năng cạnh tranh đô thị để tạo nên một khu đô thị có thương hiệu: của những ngôi nhà ba tầng khang trang, hay thương hiệu với một khu vực không bê tông hóa, không nhựa hóa, có nhiều cây xanh cổ thụ được lưu giữ, có nhiều không gian để mỗi cá nhân trong đó tạo thành nhóm, trao đổi trò chuyện, giao lưu, trao đổi, hợp tác, phát huy tối đã sức mạnh, trí tuệ, khả năng suy nghĩ để cho cộng đồng, xã hội ngày một tốt đẹp hơn, để góp phần biến chuyển nhận thức cho một xã hội rối ren như hiện nay.
Đến đây, để kết thúc bài viết có một tính khả thi hơn là đưa câu chuyện về tính nhân văn có thể đi vào ngõ cụt, có thể trả lời thêm về ai sẽ sống trong những khu vực đó.
Có thể nhận ra, hầu hết các đô thị tỉnh lỵ đều có một lớp người trẻ từ 23-35 khao khát được làm việc, muốn cống hiến, và muốn có một chỗ định cư độc lập, có gia đình, thay vì sống chung trong  ngôi nhà của bố mẹ hoặc thuê trọ tạm bợ bên ngoài. Nhu cầu chính đáng này không được quan tâm và phó mặc cho xã hội tự giải quyết bằng hai cách: cha mẹ phải lo cho con một lô đất, xây một cái nhà hoặc là cá nhân phải tự bươn chải ( tìm mọi cách để bằng mọi giá có tiền mà tham nhũng là một phát sinh từ đó). Vậy thì, một môi trường ở thế nào cho hợp lý đối với một lớp người này qua phân tích điều tra, đánh giá xã hội học về nhu cầu, môi trường, chi phí, để đưa ra được một kieru nhà, có thể là chung cư, tập thể. Thực ra, khi tỉnh lẻ nhắc đến nhà chung cư, là một khái niệm xa vời và lãng phí, nhưng đối diện với một nhu cầu có thật không được chăm lo của xã hội và bỏ những liên tưởng về các nhà chung cư 5 tầng 7 tầng nhếch nhác của những thập kỷ trước. Khi đó, khu đô thị Tây Bắc của thành phố Tam Kỳ sẽ có những ý tưởng để thực hiện.
                                                                                         Tam Kỳ, ngày 07/12/2014

TÀI LIỆU THAM KHẢO (nguồn: http://hoiktsquangnam.blogspot.com/)
- Quy hoạch đô thị thời kỳ hậu Hiện đại
- Khía cạnh nhân chủng học trong câu chuyện giãn dân phố cổ - Phó Đức Tùng

- Hình học kết nối các mặt phân giới đô thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét