Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Góp ý đồ án lập quy hoạch phân khu Phường Hòa Hương Tam Kỳ


                                                                                            PA báo cáo ngày 28/5/2012



                                                                                                                           Hiện trạng
Góp ý bổ sung bằng văn bản về QH Hòa Hương sau cuộc họp ngày 28/5/2012:
         
I. PHẦN TRANH LUẬN VỚI NHỮNG LẬP LUẬN PHẢN BÁC CỦA VIỆN

Viện 1. Gọi là phục vụ du lịch nhưng Tam Kỳ không thiếu điểm khai thác dịch vụ phục vụ nhu cầu du lịch, nên cũng đừng đặt nặng vấn đề này. Vì dọc tuyến Bàn Thạch, An Hà, hoặc vùng Tam Phú, Tam Xuân bên kia sông thì đẹp hơn để làm du lịch, không cứ miễn cưỡng ép vào đây.
Tư duy vấn đề thế là xem nhẹ giá trị lịch sử, văn hóa cũng như giá trị đất nội đô của khu vực “bán đảo” Hòa Hương. Đồng thời là mâu thuẫn, không nhất quán trong mục tiêu quy hoạch khi phủ nhận tính chất đô thị đã lựa chọn cho khu vực quy hoạch.

Viện 2. Gọi là gìn giữ thì chỉ nên giữ lại đường sưa đoạn đầu tuyến, khai thác kết hợp chỉnh trang, còn 2 khu GĐ 2 và GĐ 3 là cải tạo xóa làm mới hết.
- Liên quan đến du lịch và văn hóa: Giá trị lịch sử và khu vực cần quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị, điều này cần phải được đưa vào cụ thể, vì sau này quy hoạch chi tiết sẽ không có định hướng để triển khai.
- Khu ở sinh thái chỉ đơn thuần là xây dựng mới đô thị, mà chưa nghiên cứu đến quá trình sống, canh tác, lịch sử, truyền thống nguồn gốc. Việc xóa bỏ một khu vực, xây mới biệt thự cao cấp để những người ở đâu đến mua đất ở, chỉ đơn thuần là tạo nên một quỹ đất khai thác trong khi nhu cầu thị trường đất đai tại đây đã có hay chưa?

Viện 3. Khu ở mới nếu chuyên gia vào ở thì chuyển GĐ 2 (47 ha) và GĐ 3 (40ha) cho họ làm 2 khu đô thị thì vẫn đúng quan điểm làm khu ở chuyên gia.
Khu ở chuyên gia là khu ở khép kín, hoặc mở. Nhưng mở ở đây không có nghĩ là mở theo kiểu chia lô theo các ô phố đô thị bàn cờ. Mở ở đây là mở kết hợp với trung tâm và viện nghiên cứu theo hướng công viên công nghệ, kết hợp với ở mở hòa đồng với dân cư bản địa, thì đó mới là văn hóa và tính hấp dẫn của đô thị. Bằng việc xóa sạch, lập nên các khu đô thị bàn cờ thì liệu tính hấp dẫn và bản sắc đô thị có tồn tại hay không. Với tư cách là đô thị phát triển chậm, do ảnh hưởng quá trình đô thị hóa chậm, những đô thị đi sau như Tam Kỳ thế này, có thể nghiền  ngẫm và rút ra được những sai lầm trong việc xô bồ đô thị hóa ở các đô thị khác. Thiết kế và cả trong nhận thức về quản lý cần được thay đổi cùng lúc theo quá trình vận động biến chuyển của thời đại chứ không phải bắt chước một cách tuần tự, giẫm theo vết xe trước.

Viện 4. Đường bao Bạch Đằng không thể điều chỉnh hướng tuyến theo kiểu lượn ra thụt vào để khai thác một số đoạn vì bị phụ thuộc dự án kè và đường cứu hộ cứu nạn.
Quy hoạch phân khu 1/2000 là cơ sở để triển khai QH chi tiết, nó quy định hướng tuyến, cote, quỹ đất nhưng nếu không xử lý được vấn đề không gian, chạy theo dự án, theo tính sự kiện thì không phải là quy hoạch tổ chức sắp xếp không gian.
Đường bao Nguyễn Tất Thành, đường Sơn Trà Điện Ngọc, Đà Nẵng là một minh chứng cho việc kẻ vẽ những đường bao không tính toán đến cảnh quan cũng như hỗ trợ, tham gia góp phần trong quá trình phát triển đô thị. Thiết kế đô thị để bản thân nó mang lại sức hút, trở thành một động lực phát triển, là xu hướng của thời đại chứ không phải thiết kế quy hoạch là căn cứ, hoặc triển khai những Nghị quyết, quy hoạch phát triển kinh tế riêng biệt. 

Viện 5. Khu Nhà máy xử lý nước thải, đến 2038 thì hết đời dự án, có thể chuyển 11 ha + vùng đệm cách ly = 62 ha này thành đất dự trữ phát triển. Hoặc có thể trồng cây cách ly, sau này điều chỉnh công nghệ để thu hẹp diện tích chiếm đất.
Biện luận thế là khiên cưỡng. Thuật ngữ phát triển bền vững mà Việt Nam đang hướng đến sử dụng về kinh tế và đô thị, có nghĩa là quá trình hưởng thụ, bền vững phải xuất hiện cùng lúc và song hành với quá trình phát triển chứ không phải là đến đích đó thì anh mới hưởng thành quả.
Vì một lý do nào đó, chúng ta được vay vốn (nếu như có cho không - không hoàn lại thì cũng phải xem xét đến động cơ lý do mà tổ chức đó họ đưa sang ta); trả chậm và vẫn phải trả lãi. Họ đề xuất một công nghệ sinh học, hay là gọi là thủ công, và lạc hậu cho một đô thị vì cần khoảng cách ly lớn. Mùa mưa thì hệ thống này không hoạt động. Và người dân đô thị Tam Kỳ vẫn phải trả tiền cho việc xử lý nước thải này trên mỗi đơn vị khối nước. Công nghệ thấp, vì công nghệ cao thì tiền dân chúng phải trả cao hơn. Thành phố Đà Nẵng với gần 1.000.000 dân (quy mô Nhà máy 5.000 m2), tức là lượng dân đủ lớn để chia tiền xử lý nước thải trên đầu dân sẽ thấp, trong khi Tam Kỳ chỉ có 100.000 ngàn dân (50.000 dân sử dụng trực tiếp hệ thống này) thì kinh phí mà dân chúng gánh chịu là quá lớn.
 Theo một phép tính đã đưa ra tại cuộc họp, mỗi người dân đô thị Tam Kỳ khi sử dụng 1 m3 nước sẽ phải trả trên hóa đơn tiền nước của mình là 3 m3 (1 tiền nước sạch + 2 tiền cho việc sử lý 1m3 nước mình thải ra). Điều này đã hợp lý trong điều kiện hiện nay?
Vậy thì mức xả thải của 50.000 dân này đã đủ lớn để sự cần thiết phải vay tiền, sử dụng một công nghệ thấp để xây dựng một nhà máy xả thải chưa?  Ngoài ra, giống như vị trí của nhà vệ sinh, ăn sâu vị trí vào trong tâm thức về hình ảnh định vị cho một điểm không sạch sẽ. Liệu ấn tượng về khu ở, về đô thị Tam Kỳ, về du lịch… có còn nữa hay không?

Viện 6. Dùng trục Tam Phú - Tam Xuân để định vị đô thị
- Trục Tam Phú, Tam Xuân để định vị trục đường chính đô thị là không có cơ sở.
- Đây là trục giao thông liên khu vực, giao thông tốc độ cao, phá vỡ và chia nát cấu trúc khu ở. Hòa Hương đã bị Quốc lộ 40 chia đôi, giờ lại tiếp tục chia tiếp làm 4 là không hợp lý.
- Phải đứng trên bình diện quy hoạch chung để tính cầu vượt sông cho đô thị, không vì mục tiêu hình thái đơn thuần mà chia, nếu đường Tam Phú Tam Xuân không thực hiện ở vị trí này thì sao?
- Cự ly khoảng cách từ cầu Kỳ Phú đến cầu đường Nam Quảng Nam (Thanh Hóa hay là quốc lộ 40) là khoảng 2,1km. Trong khi mục đích làm cầu là để phát triển khu vực bên kia sông, đã có quy hoạch đô thị 533. Và trong quy hoạch chung sắp đến, vị trí quy hoạch khu đô thị 533 hiện nay có thể còn nhiều vấn đề phải bàn.

II. TRƯỜNG HỢP VẪN PHẢI GÓP Ý ĐỂ HỒ SƠ SỬA TRÌNH DUYỆT .
      6 góp ý cụ thể như sau:

1. Đề nghị phân khu vực quy hoạch theo nội dung thay vì phân theo giai đoạn 1,2,3 như hiện nay. Khi xác định được nội dung đô thị thì việc xây dựng bước 1,2,3 cho dự án hạ tầng khung sẽ trở nên mạch lạc và rõ ràng hơn là theo giai đoạn. Có nghĩa là hạ tầng khung thì theo giai đoạn, còn  nội dung trong 3 vùng quy hoạch thì có thể được triển khai nhỏ lẻ chi tiết bám theo hạ tầng khung đó cùng 1 lúc.
Đó là khu vực 1: cải tạo, nâng cấp và chỉnh trang đô thị; khu vực 2: phát triển mới đô thị và khu vực 3 dự trữ phát triển (quỹ đất lúa trong 30 năm không động đến).
- Trong khu vực 1, có thể có nhiều khu vực, khu nào cần QH nâng cấp, khu nào cần QH cải tạo, khu vực lịch sử nào cần bảo tồn, nâng cấp, phát huy giá trị, quy mô chiếm đất phát triển thế nào để có thể định hướng lập QH chi tiết.
- Trong khu vực 2: phát triển đô thị mới. Phát triển theo hướng 1 khu đô thị đồng bộ theo dự án hoặc khu đô thị từng bước theo hạ tầng do Nhà nước đầu tư. Nếu tư nhân đầu tư thì hạ tầng khung không được xé nát khu đất.

Khu vực 2 cũng có thể xác định tính chất Viện, trung tâm công nghệ cao (khu công viên công nghệ, không gian xanh là chủ đạo và mang tính mở) trong đó có khu ở chuyên gia. Không gian ở có tính mở, và hòa hợp với cư dân hiện hữu hơn là xóa bỏ làm mới hòan tòan. Nếu theo hướng này thì phải xác định quỹ đất có tính khép kín với quy mô hợp lý để kêu gọi thu hút đầu tư. Thay vì GĐ 2 hiện nay Khu ở bị chia cắt của các trục giao thông xuyên khu vực.

2. Đề nghị xem xét lại và tuân thủ tính chất đã đặt ra là có phục vụ du lịch. Khi đặt mục tiêu du lịch thì phải xác định sản phẩm phục vụ du lịch ở đâu (vị trí chỗ nào, lịch sử chỗ nào cần bảo tồn, cần tôn tạo, tính văn hóa của cư dân địa phương cần phục hồi chỗ nào, giữ gìn chỗ nào để phụ vụ du lịch). Ngoài ra còn phải khai thác tối đa diện tích mặt nước, cảnh quan, hướng cập bến, điểm cập bến từ du lịch trên sông, lẫn hướng nhìn, quy hoạch chiều cao với các hướng nhìn chính từ bờ sông.
3. Xem xét trục Tam Phú – Tam Xuân hiện nay là ảo, do đó không thể xây dựng một trục thật, phục vụ kết nối trục ảo chưa xác định. Và trục ảo này có khả năng tiếp tục chia cắt đô thị Hòa Hương làm 4 do tính chất giao thông xuyên  khu vực. Điều này làm tầm thường hóa đô thị, giẫm lên vết xe chia ô đô thị của các đô thị khác đã mắc phải. Có thể xem xét vạch tuyến giao thông chính của khu vực, là trục chính kết nối của Hòa Hương để làm rõ khái niệm “đi vào Khu đô thị Hòa Hương”. Tuyến này có thể kết nối từ Bạch Đằng cắt qua tuyến Nam Quảng Nam và vòng lại đầu tuyến Nam Quảng Nam gần Phan Chu Trinh. Trục Tam Phú Tam Xuân sau này nếu có đúng như vị trí thì có thể đi bao theo tuyến Bạch Đằng, còn nếu phải xuyên đô thị thì có thể khớp nối 2 đầu với đoạn tuyến đề xuất trên.
4. Phân tích đánh giá lại sơ đồ tuyến Bạch Đẳng bao sát mép nước về quy mô và khoảng cách với bờ sông, để tự bản thân tuyến trở nên có sức hút, tạo thành một động lực phát triển.
5. Xem xét lại quy mô tuyến dọc sông đoạn cầu Tam Kỳ đến rừng sưa để định dạng quy mô tuyến hợp lý, kết hợp khai thác nhưng không phá vỡ cảnh quan lẫn hiện trạng.
6. Bố trí văn phòng, thương mại không nhất thiết trên trục Nam Quảng Nam, xét về tính chất về giao thông của tuyến. Cần xem xét kết hợp với trục đi bộ Thương mại – Văn phòng kết hợp với giao thông công cộng trong tương lai.

III. GÓP Ý MANG TÍNH LÂU DÀI DỰA TRÊN CƠ SỞ BẢO TỒN (CÁNH TẢ) VÀ TẦM NHÌN TƯƠNG LAI ĐÔ THỊ.

1.     Tính chất đô thị:
Hòa Hương nên để dành khoảng 50-70ha xây dựng một trung tâm, viện nghiên cứu theo hướng Trung tâm công nghiệp công nghệ cao. Đó là khoảng không gian mở, có tính liên kết đào tạo nhân lực. Cộng với tính hấp dẫn của giá trị cảnh quan, lịch sử, văn hóa của vùng đất sẽ thu hút chuyên gia quốc tế Nhật, Mỹ, Thụy Điển… đến làm việc và sinh sống (dành thêm 30 ha cho điều này là 100ha). Và đó là xu hướng của việc xác định vị thế phát triển của đô thị Tam Kỳ trong chuỗi giá trị đô thị Dung Quất – Chu Lai – Tam Kỳ - Thăng Bình – Điện Ngọc – Đà Nẵng.
- Xu hướng hội nhập văn hóa cũng như tính hấp dẫn của văn hóa của vùng đất, cư dân bản địa bên ngoài giá trị cảnh quan mới thực sự là điểm đến hấp dẫn cho các công dân quốc tế. Thay vì san phẳng và xây biệt thự như vùng đất mới của đô thị Phú Mỹ Hưng, Tp HCM là một ví dụ.
2. Dự án nhà máy xử lý nước thải:
Dự án này phục vụ 50/100 ngàn dân để rồi có 3 điều bất cập: 1. Cư dân phải gánh chịu khoản phí quá lớn (nếu dân nhiều hơn thì chia ra ít hơn); 2. Tiền xây dựng là vay vẫn phải trả trong khi nhu cầu thì chưa bức thiết. 3. Và vì thế, kéo theo phải sử dụng một công nghệ chiếm nhiều đất hơn, ảnh hưởng đến tính chất đô thị và làm mất đi giá trị đất đai đô thị.
Nếu gọi đấy là đất dự trữ là điều khiên cưỡng và không phù hợp với tính phát triển bền vững.
     3.  Khi chuyển 200 ha đất lúa thành đất đô thị thì cùng với việc hơn 3000 nông dân chuyển đổi nghề nghiệp. Vậy, việc xác định tính chất đô thị để kết hợp được với việc chuyển đổi nghề nghiệp này là điều vô cùng cần thiết./.

          Trân trọng!
                                                                                      Ký tên



                                                                              ThS.KTS Huỳnh Quốc Hội

     Phát biểu phản biện của KTS Huỳnh Quốc Hội tại cuộc họp ngày 28/5/2012 tại phòng họp số 1 UBND Thành phố Tam Kỳ khi dự báo cáo QH Hòa Hương.


                     PA sau báo cáo lần 2, mời góp ý ngày 12/4/2012

                                                                Hiện trạng
1.     Tính chất đô thị:
- Viện đã nêu được tính chất: Khu ở sinh thái kết hợp phục vụ du lịch nhưng chưa phân tích được cụ thể tính chất này ảnh hưởng thế nào: trong bình diện tổng thể đô thị cũng như sự phân bố tác động từ tác khu vực lân cận xung quanh.
- Du lịch là du lịch gì, khai thác gì từ bờ sông? (bến đỗ, xử lý đường bao, hướng nhìn cảnh quan, quy hoạch chiều cao từ hướng nhìn bờ sông)
- Ở sinh thái là ở thế nào?
Nghi ngờ tính chất đô thị và triển khai mục tiêu, tầm nhìn vào đồ án quy hoạch.

2.     “Giai đoạn quy hoạch đất” nên chuyển thành “giai đoạn dự án hạ tầng”
Phân tích hiện trạng để sử dụng vào quy hoạch thế nào về dân cư, bảo tồn lịch sử hay phát huy giá trị của văn hóa trong vấn đề khai thác du lịch, chuyển đổi chức năng khu ở. Cần thay đổi các giai đoạn quy hoạch đất đai thành giai đoạn xây dựng dự án hạ tầng. Đồng thời, các giai đoạn quy hoạch chuyển đổi đất đai này sẽ đổi tên thành khu vực quy hoạch . Giai đoạn 1 đổi thành Khu vực 1: khu vực cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đô thị; Giai đoạn 2,3 thành khu vực 2: khu vực phát triển đô thị (mới) và khu vực 3: Khu vực dự trữ phát triển: đất đai nông nghiệp trong vòng 30 năm không được động đến.

3.     Văn hóa:
-         Dời trường học sẽ mất ký ức về nơi chốn, địa điểm.
-         Xây dựng biệt thự cho ai mua? (1000m2, mật độ xây dựng 10-30%)
-         Người nơi khác đến nhiều sẽ thay đổi tính cách dân cư khu vực.
-         Sự tôn trọng cư dân hiện trạng trong quy hoạch

4.     Đề xuất:
a). Đường Bạch Đằng sơ đồ và quy mô có tính toán đến phục vụ du lịch sông và ven sông.

b). Chọn trục “đi vào đô thị Hòa Hương”

c) Tính chất đô thị Hòa Hương: nên là Khu vườn công nghệ cao có khu ở chuyên gia quốc tế kết hợp chỉnh trang gìn giữ cư dân hiện trạng.

d) Khu xử lý nước thải nên đổi vị trí để gìn giữ khu vực nội đô mà đất đai ở đây có giá trị về lịch sử, văn hóa, vị trí, cảnh quan.

     Đồ án này báo cáo lần thứ 3, được Viện tiếp thu chỉnh sửa và làm việc khác công phu, nghiêm túc. Tuy nhiên, khi đã xác định đúng tính chất thì các triển khai chi tiết cần phải dựa trên cơ sở cụ thể hóa các mục tiêu của đồ án để việc lập quy hoạch đạt kết quả tốt nhất./.

 NguyenPhuNinh
Báo cáo các anh, do phần phản biện chỉ đưa lên mỗi cái QH mặt bằng sử dụng đất nên mà có ý kiến phản biện của phản biện thì cũng giống như thầy bói xem voi. Tuy nhiên, chấp nhận làm thầy bói để có vài ý kiến như sau:
1. Khu vực này về chủ quan là gốc của quê ngoại. Nói đến tộc Trần ở khu vực này ai cũng biết. Hiện đang lập gia phả rất kỷ lưỡng từ nhiều thế kỷ trước. Chợ Bà Hòa (tên của người phụ nữ trong họ) được đặt tên cho chợ là biết. Có một bộ phận dân cư không nhỏ trong khu vực theo đạo công giáo. Khi chưa làm tuyến đường bê tông chạy từ đường Phan Chu Trinh xuống khu vực này như vùng khó khăn. Đỉnh lũ năm 1999 và một số năm trước đó (biết nhưng không có số liệu) nước ngập quá nữa chiều cao nhà.
2. Về hiện trạng, đi đường Thanh Hóa sẽ rõ. Cao trình đường này tuân thủ theo đường cấp quốc gia (tần suất lũ tối thiểu 4% một năm - xem thêm tiêu chuẩn thiết kế đường giao thông) nên rất cao so với hiện trạng. Do vậy có cần thiết làm phải làm hệ thống đường gom để giảm bớt cao độ san nền toàn khu vực.
3. Sông Tam Kỳ có quy mô lòng sống hẹp, độ dốc lớn. Cao độ mực nước mùa mưa và mùa khô rất lớn, thậm chí mùa khô nước cạn đến đáy sông. Do vậy cần có khoảng không gian mở (không xây dựng công trình) tiếp giáp với bờ sông càng nhiều càng tốt. Đường giao thông càng xa với mép bờ sông (tính theo mực nước trung bình) càng nhiều càng tốt về không gian, giảm chi phí đầu tư xây dựng đường giao thông. Mặt khác phù hợp với hiện trạng đường Bạch Đằng (do tuyến từ khu vực này trở ra dân cư đã sống bám sát bờ sông nên không làm được điều này.
4. Tuyến đường Tam Phú chạy qua tất nhiên phải làm. Tuy nhiên dựa vào cái quy hoạch khu đô thị của 533 thì giống như nhắm mắt làm liều. Cái này do nhà đầu tư lập, triển khai trình phê duyệt theo mục đích của chủ đầu tư. Mặc dù nhà nước phê duyệt nhưng chủ đầu tư không làm cũng pó tay, bao giờ cho đến tháng 10 khi nhà nước quy định phải xây nhà để bán trong đô thị. Còn lâu?
5. Trong khu vực quy hoạch, ngoài khu dân cư hiện trạng tô màu vàng chiếm tỷ lệ lớn. Cá nhân thấy khu thể dục thể thao chiếm vị trí quan trọng. Đây là khu TDTT cấp tỉnh, là điểm nhấn, cần xem xét lại quy mô theo hướng mở rộng càng nhiều càng tốt. Đà Nẵng còn dám bán cả sân Chi Lăng để làm bên Hòa Xuân để đủ quy mô, mở rộng đô thị và cũng như thoát người trong các hoạt động thể thao lớn, tầm cỡ quốc gia và xa hơn là miền trung tổ chức ASEAN thì Quảng Nam cũng góp tổ chức một vài sân thi đấu, ăn ở, tập luyện chứ!
Còn một số nội dung cần xem voi nữa nhưng chưa đủ thông tin và thời gian. Trao đổi vài nội dung đã bói và sờ được
  • Công Tử Rừng Phong
    2. Dự án nhà máy xử lý nước thải:
    Dự án này phục vụ 50/100 ngàn dân để rồi có 3 điều bất cập: 1. Cư dân phải gánh chịu khoản phí quá lớn (nếu dân nhiều hơn thì chia ra ít hơn); 2. Tiền xây dựng là vay vẫn phải trả trong khi nhu cầu thì chưa bức thiết. 3. Và vì thế, kéo theo phải sử dụng một công nghệ chiếm nhiều đất hơn, ảnh hưởng đến tính chất đô thị và làm mất đi giá trị đất đai đô thị.
    Nếu gọi đấy là đất dự trữ là điều khiên cưỡng và không phù hợp với tính phát triển bền vững. (trích nguyên con)
    --------------------------------
    Tui giơ tay phản biện-
    Xin báo cáo với đồng chí là tui chỉ lướt sơ qua dự án - nghĩa là chưa hiểu mô tê răng rứa chi hết. Tuy nhiên; vì thấy điều 'không chấp nhận được" nên tui trích nguyên con (ở trên) để đưa ra ý kiến như sau:
    Hệ thống nước thải là hạ tầng cơ sở không thể thiếu trong bất cứ công trình lớn nhỏ nào. Nếu gọi là "tính phát triễn bền vững" thì lại càng không thể thiếu hệ thống nước thải này.
    Ở Mỹ, phí tổn cho mọi utility đều được quy đồng theo từng foot vuông (ft2) - cứ tính theo diện tích ft2 mà chủ đất gánh chịu phí tổn.- không tính theo đầu dân.
    Nói tóm lại; trong trường hợp này, cứ tính theo từng m2 đất mà gánh chịu tiền phí tổn cho hệ thống nước thải. Bất kỳ với giá nào, hạ tầng cơ sở này phải có - không thể thiếu.
    Nếu vì giá cao mà không xây dựng hệ thống nước thải thì thử hỏi nước thải sẽ được xử lý thế nào? Và biết đến bao giờ mới xây dựng hệ thống này để "phát triễn bền vững" ?!
    Là một KTS, tui mong đồng chí luôn hướng tầm nhìn về tương lai. Tương lai không nằm trong những căn nhà cao ốc hoành tráng. Tương lai nằm ở những hạ tầng cơ sở mà chúng ta xây dựng, thiết kế từ ngày hôm nay. Do you understand, mr. Architect?

1 nhận xét: