Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Nghiên cứu bản sắc đô thị bằng hiện tượng học ? 

Khoảnh khắc, đó chính là đơn vị thời gian chúng tôi sử dụng khi muốn kể những câu chuyện về cuộc sống đô thị. Đó không phải khoảnh khắc của cửa sập máy ảnh, mà chỉ là một ấn tượng bất chợt bắt gặp cái khác lạ giữa dòng chảy của thời gian. Một trải nghiệm. (Moments of Urban Life)
            Khi đi đến vùng đất mới, địa phương mới tôi thường chụp lại, ghi nhớ lại những cái gì đó “hay ho”, những gì khác biệt mà tôi thấy lạ, dù điều có thể vớ vẩn và quá đơn giản, một hình ảnh graffiti, một thùng rác có dán bảng thông báo mua đồ cũ, một con búp bê nằm giữa đống đồ lùng nhùng của tay lang thang… Tất nhiên tôi cũng chẳng bỏ qua những đặc trưng địa phương như tòa nhà, ngọn tháp, tháp chuông nhà thờ, cánh đồng tulip trải dài … Đặc trưng, khác lạ là những gì tôi cố thu thập, nhiều khi tiếc tiếc vì có những thứ hay hay trôi vụt qua trong một khoảnh khắc, mắt thì thấy mà máy ảnh thì không kịp đưa lên.
              Mô tả các trải nghiệm ban đầu của cá nhân khi tiếp xúc với một đối tượng để tìm bản chất của nó, chính là một phương pháp trong hiện tượng học. Đối tượng nghiên cứu ở đây là đô thị, hay rộng hơn là môi trường (tự nhiên, xã hội, vật thể, phi vật thể) xung quanh cá nhân đó.
Nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và môi trường thường phát triển theo ba con đường. Thứ nhất là những người theo quyết định luận, bắt đầu bằng những giả thiết môi trường được xem như lực lượng kiểm soát và xác định hành động của con người. Thứ hai là Possibilism, nói rằng con người định hình nên môi trường xung quanh và do đó họ có thể (possible) tác động bằng những nỗ lực của mình. Thứ ba là quan điểm sinh thái, cho rằng mối quan hệ con người với môi trường qua lại và những tác động tiêu cực của con người sẽ làm suy yếu và phá hủy môi trường nhân tạo và tự nhiên.
Thực tế thì quan điểm thứ ba đang ngày càng phát triển vững chắc do những phong trào phổ biến nhận thức về phát triển bền vững, kinh tế xanh và biến đổi khí hậu. (Xem thêm Quy hoạch đô thị với biến đổi khí hậu).
                 Tuy nhiên, vẫn có một cách tiếp cận khác, bắt nguồn từ những cơ sở lý luận về hiện tượng luận do Martin HeideggerMaurice Merleau-Ponty phát triển, đề nghị xem môi trường và con người như một đối tượng duy nhất, đa diện tồn tại sống động như một thực thể.
Được xếp vào hàng những nhà hiện tượng học hiện sinh, Heidegger và tiếp sau là Merleau-Ponty cho rằng tồn tại có trước và quyết định bản chất của đối tượng. Và con người tồn tại thì luôn gắn liền và không thể phân ly với thế giới sống, được hiểu là môi trường và là điều kiện thiết yếu nhất của tồn tại. Con người luôn đắm chìm vào trong thế giới sống mà tình trạng này Heidegger gọi là being-in-the-world (hay Dasein hay hữu sinh tại thế), không thể nói con người tạo ra thế giới hay thế giới tạo ra con người. Chính vì chúng ta luôn tồn tại trong thế giới này nên nó trở nên quen thuộc và thường không nhận ra sự hiện diện của nó.  (khái niệm tồn tại ở đây chưa hoàn toàn thích hợp với ngữ nghĩa của Heidegger trong cuốn Being and Time, tuy nhiên nó dễ hiểu hơn khi đọc trong khuôn khổ bài viết này).
               Merleau-Ponty viết: “Thế giới không phải là cái mà tôi tư tưởng, nhưng nó là cái mà tôi sống”. Thế giới là thế, không có thượng đế nào tạo ra, cũng không có những quy luật phổ quát, vì mọi quy luật đều rút ra được từ những hệ tiên đề đầu tiên, là cái mà chúng ta tự quy ước. Cũng như kết luận của các ngành khoa học khác thực ra đều xuất phát từ những thừa nhận về tri giác của con người, Merleau-Ponty gọi “khoa học là sự diễn tả lại lần thứ hai cái kinh nghiệm sống, tức tri giác của ta”. Vì vậy quan niệm của hiện tượng học là sử dụng luôn cái kinh nghiệm sống nguyên thủy “ngây thơ, trung thực”, để có thể chỉ ra tri giác cũng như sự tồn tại hiện hữu hoặc bản chất của đối tượng.  Tất cả các hiện tượng như hình dáng, màu sắc, kiến trúc cảnh quan, du lịch, nghệ thuật .v.v. mà con người có thể nhìn, nghe, sờ, ngửi, cảm thấy, hiểu được, biết được đều là những hiện tượng bởi vì con người có thể có kinh nghiệm trải qua nó. Và cách nghiên cứu chúng là sự mô tả trung thực về đối tượng bằng những kinh nghiệm thơ ngây của mình, ta sẽ thu được cái tồn tại hiện hữu, mà vì bản chất cũng là hiện hữu nên ta cũng tiếp cận được với bản chất của đối tượng.
              Nghe thì dễ dàng và ai cũng có thể làm được, đơn giản chỉ là đưa ra kinh nghiệm sống của mình, mà kinh nghiệm thì ai chẳng có. Tuy nhiên thực tế lại không dễ dàng chút nào, vì nếu không thực hiện theo những nguyên lý và phương pháp của hiện tượng học thì trong óc ta, ý tưởng sẽ ra đời như là kết quả của sự pha trộn giữa kinh nghiệm sống và sự lặp lại những lời văn hình ảnh thứ cấp từ các nguồn khác gây sai lạc hoàn toàn. Trần Thái Đỉnh đã ví von quá trình ghi nhận kinh nghiệm sống sai lạc đó như sự chụp ảnh bằng máy ảnh phim, đến lúc tráng phim trong phòng tối tái hiện lại kinh nghiệm sống thì lại để ánh sáng bên ngoài lọt vào hư phim hỏng việc.
Nguyên lý của hiện tượng học là ba quá trình giảm trừ, giảm trừ triết học tức ta thanh lọc tất cả các điều đã biết về nơi ta nghiên cứu, để tinh thần hoàn toàn ngây thơ tươi mới. Giai đoạn thứ hai, giảm trừ bản chất là gạt bỏ hoàn toàn thiên kiến cho rằng thế giới nó luôn tĩnh lặng như thế, phải nhìn nhận cứ qua mỗi khoảnh khắc (moment), thế giới lại đổi khác, để đạt được đúng cái thế giới mà ta nói đến và cuối cùng giảm trừ hiện tượng làm thế giới xuất hiện lại như trong kinh nghiệm sống, không thêm bớt vay mượn gì cả. Không dễ tí nào.
            Hãy xem nghiên cứu của Frank Chaffin về cảnh quan dọc sông Cane ở Lousiana và nhận thức về ý nghĩa nơi chốn lên cộng đồng địa phương (đảo Brevelle một cộng đồng 200 tuổi). Để bắt đầu Chaffin tập trung nghiên cứu về cảnh quan tự nhiên và văn hóa bằng phương pháp hiện tượng học mang tính thông diễn thông qua các tài liệu lịch sử và khoa học (tạm hiểu thông diễn = thông dịch + diễn giải). Tiếp đó Chaffin sử dụng phương pháp hiện tượng hiện sinh bằng cách phỏng vấn sâu với những người dân địa phương, và cuối cùng là chính bản thân mình, Chaffin đã leo lên thuyền đi dọc theo sông  về phía cộng để tự minh mô tả những kinh nghiệm sống của mình.  Thực tế là chỉ trong nghiên cứu của mình Chiffin đã thực hiện ba phương pháp của hiện tượng học áp dụng lên đối tượng: Ấn tượng đầu tiên, Hiện sinh và Thông diễn hiện tượng học. THeo lý thuyết thì chỉ cần một phương pháp  nếu thực hiện nghiêm cẩn có thể đạt được mục đích nghiên cứu, việc sử dụng ba phương pháp như vậy chỉ có tác dụng bổ sung cho nhau loại trừ thiên kiến của người nghiên cứu mà thôi.
Quảng cáo :)
              Cách đây mấy tháng, tôi tham gia cùng những người bạn trên trang Facebook Moments of Urban Life (Khoảnh khắc của cuộc sống đô thị), một trang hình ảnh nho nhỏ là kết quả của những lần cà phê cà pháo về cuộc sống, đô thị, phim ảnh, bóng đá, đàn ông, đàn bà, tôn giáo, triết học .v.v. của những người trẻ có chung vài sở thích. Ý tượng ban đầu về nội dung của trang là đưa ra những góc nhìn và cảm nhận của cá nhân về đô thị và cộng đồng đang sống tại một địa phương nào đó, nhưng những hình ảnh đó phải thực sự tồn tại và phải đáng để cảm nhận. Nguyên tắc “đáng để cảm nhận” cũng không có gì to tát, chỉ là hình ảnh đó do suy nghĩ của cá nhân tự nhận thấy và chọn lọc, sau đó tự cho rằng đã truyền tải tới người xem một điều gì đó đáng suy nghĩ, đáng khen hay đáng tranh luận, tránh lối tả cảnh thông thường.
               Chính cái tiêu chí tập trung vào trải nghiệm cá nhân như vậy dẫn đến trang có màu sắc đơn điệu và ít tìm được tiếng nói chung với cộng đồng. Tuy nhiên chủ ý của trang là thế, trải nghiệm cá nhân có thể đơn sơ, không lóng lánh và nhiều khi vô nghĩa với phần đông người xem, nhưng có giá trị tích lũy kinh nghiệm cho bản thân người sở hữu kinh nghiệm đó.


BÀI LIÊN QUAN:




 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét