Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

TP Hạ Long, những mảnh vỡ trong cấu trúc quy hoạch

Đô thị kéo quá dài
Đô thị Hạ Long được phát triển theo hướng kéo dài một cách đáng lo ngại; bám theo bờ biển tới gần 35km. Với quy mô một đô thị loại lI, khoảng 270.000 dân theo quy hoạch, chỉ là quy mô trung bình nhỏ, đây sẽ thực sự là bất lợi bởi khả năng liên kết yếu trong cấu trúc đô thị. Có thể đây cũng là một “kỷ lục” khác của Hạ Long, trở thành một thành phố loại III có chiều dài kỷ lục ở Việt Nam. (Vượt qua Việt Trì vốn trước đây là thành phố kéo dài khoảng 15km với những tuyến phố chạy suốt đô thị).


Trên tuyến chiều dàí 35km ấy, chiều rộng của đô thị xây dựng khá mỏng và bị phân cách, có phần chỉ khoảng 200m, phần khác bị ngăn cách bởi địa hình đồi núi, Sự bất lợi của đô thị kéo quá dài có hệ quả tất yếu là hệ thống trung tâm bị xé lẻ, phân tán, khoảng cách của người dân đến trung tâm xa, hạ tầng bị kéo dài không kinh tế và tất yếu phải tính đến hệ thống giao thông công cộng đa kết nối - nếu không muốn giao thông ô tô cá nhân phát triển.

Với đặc điểm này, các nhà quy hoạch giai đoạn trước đã có ý đồ dịch chuyển trung tâm đô thị về phía khu vực lấn biển Cột 3 (km3) và điều này đã tạo ra một hệ thống trung tâm bị phân tán, vỡ vụn do các công trình công cộng cũng bị kéo dài theo tuyến. Các công trình công cộng phân bố kéo dài từ UBND thành phố Hạ Long đến Cột 5, Cột 8, đến UBND tỉnh, chiều dài khoảng 15 km với các công trình thương mại, dịch vụ, hành chính đan xen nhà ở. Ngoài chợ Hạ Long còn giữ nguyên vị trí, khó có thể xác định rõ đâu là trung tâm của đô thị. Sự có mặt đơn lẻ của Đài phát thanh truyền hình tỉnh, một số Sở, ban ngành tại Cột 3 đem đến cảm nhận về sự lạc điệu của một khu vực trung tâm dang dở, đặt bên cạnh quốc lộ 18 với những hàng rào ngăn cách.
Cầu Bãi Cháy làm thay đổi cấu trúc quy hoạch đô thị


Sự hình thành của cầu Bãi Cháy đã tạo sự liên kết đô thị giữa hai bờ vịnh Cửa Lục, về mặt giao thông đây là một công trình đáng tự hào của thành phố vớí những kỷ lục trong xây dựng, có tính thẩm mỹ cao. Nhưng đối với công tác quy hoạch đây lại là một trong những nguyên nhân chính làm đảo lộn và phá vỡ cấu trúc đô thị.
Trung tâm cũ của thành phố vốn được tiếp cận từ bến phà Bãi Cháy, qua Thư viện thị xã, Sân vận động, Nhà văn hóa, đến chợ Hạ Long 1 và các tuyến phố thương mại. Tuy nhiên, khi cầu Bãi Cháy hình thành, điểm tiếp cận phía Hòn Gai lại ở Loong Toòng, (cách Bãi Cháy khoảng 4km về phía Bắc) khi tuyến phà Bãi Cháy ngừng hoạt động, khu trung tâm có tính lịch sử của đô thị đã trở thành mội góc chết, còn điểm chân cầu tiếp cận thành phố hiện nay lại không được quy hoạch tương xứng cho vai trò đầu mối tiếp cận của đô thị. Khu vực Loong Toòng trở thành một đầu nút giao thông chật chội, do Chợ Hạ Long 2 ngay cạnh chân cầu, nhiều công trình chức năng thương mại đang tự phát hình thành, khu dân cư phố Giếng Đồn cạnh đó cũng đang trở thành khu vực dịch vụ ầm thực sầm uất.
Cầu Bãi Cháy hình thành đã làm tốt vai trò của cây cầu trên đường quốc lộ 18, nhưng không đạt yêu cầu với vai trò là cầu kết nối giữa hai phần của đô thị. Các tuyến cầu dẫn bất hợp lý, kể cả từ phía Hòn Gai xuống Bãi Cháy và từ phía Bãi Cháy dẫn xuống khu vực sân vận động Hòn Gai cũ. Đường hẹp, dốc quanh co, không tương xứng với vai trò là trục giao thông chỉnh đô thị. Thực tế là người dân cảm nhận sự cách biệt giữa hai bờ vịnh nhiều hơn so với thời kỳ còn sử dụng tuyến đường ven biển và phà Bãi Cháy.
Những cơ hội để có được vị trí trung tâm tốt
Thành phố Hạ Long đã có cơ hội mở rộng trung tâm cũ đề có được quy mô cần thiết khi di chuyển được 2 kho than có diện tích hàng chục ha, (nằm ngay cạnh trung tâm cũ). Điều đáng tiếc là sau đó khu vực này lại trở thành khu nhà chia lô chứ không được quy hoạch để mở rộng cho khu vực trung tâm.
Khu vực lấn biển Cột 3 cũng là cơ hội hiếm có để tạo được một trung tâm đô thị ven biển (nếu đã xác định không giữ trung tâm cũ). Nhưng thực tế cho thấy: những công trình công cộng mới ở đây cũng không có vị trí tương xứng, không gian không đủ cho một trung tâm mới. Vị trí giáp biển rát đẹp này (con đường đẹp nhất của Hạ Long hiện nay) đã dành cho các ngôi nhà biệt thự, hiện đang đồng loạt được chủ nhân cải tạo thành các nhà hàng để phục vụ nhu cầu của dân cư và khách du lịch. 
Không có những phân vùng cảnh quan, đặc trưng cảnh quan rõ rệt
Do phát triền trải dài thành phố Hạ Long cũng đã mất đi các đặc trưng cảnh quan vốn có trước đây. Khi còn là thị xã Hòn Gai, đô thị có sự phân vùng chức năng và cảnh quan rõ rệt: Khu vực Bãi Cháy phát triển du lịch có nhiều đồi núi, cảnh quan tự nhiên; khu vực đô thị trung tâm Hòn Gai sầm uất; khu vực Cọc 5, Cọc 8 khá yên tĩnh với các công trình hành chính của tỉnh Quảng Ninh: Hiện nay sự phân vùng bị xóa nhòa, thiên nhiên bị biến đổi theo hướng tiêu cực.
Khu vực Bãi Cháy bên cạnh những khách sạn 3-5 sao đã có nhiều nhà dân làm giảm đi giá trị của khu du lịch. Thay vì trở thành những khu du lịch cao cấp, Bãí Cháy bị bình dân hóa bởi sự phát triển lộn xộn của nhà nghỉ 3,4 tầng (kiểu nhà ống), nhà ở, nhà hàng và các dự án đô thị dang dở khác. Những khoảng xanh rì của đồi núi trước đây đã mất đi, vô số khách sạn, nhà nghỉ mọc lên, không theo ý đồ kiến trúc cảnh quan tổng thể nào. Có thể nói, khu lưu trú ven bờ Bãi Cháy: nơi xuất phát các tour thăm vịnh, hoàn toàn không xứng đáng với giá trị khu vực vịnh Hạ Long. Thật khó có thể tin tưởng vào khả năng quản lý tốt di sản nếu như nhìn vào những gì đang diễn ra ven bờ vịnh hôm nay.
Với khu vực Bãi Cháy, có thể nói giai đoạn vừa qua đã “hoàn thành” công việc: Nhà ở hóa khu du lịch, bình dân hóa khu du lịch cao cấp.
Khu đô thị mới Cao Xanh, Hà Khánh là một trong những khu vực dân cư, phát triển khá tập trung, hạ tầng đồng bộ... Tiếc là hướng nhìn ra vịnh Cửa Lục lại bị án ngữ bởi các đường dẫn xi măng của nhà máy Xi măng Hoành Bồ, nhìn về phía trong là các mỏ lộ thiên với cảnh quan đất đá bị bóc trơ trọi quen thuộc.
Cũng giống như các đô thị khác, sự phát triển kiểu tự xây ở Hạ Long vẫn là phổ biến và đang dần bao phủ khắp các đồi núi với mật độ xây dựng ngày càng tăng. Những cảnh quan như đồi Nhà thờ đạo, đồi Bệnh viện không được giữ gìn, núi Bài Thơ vẫn chưa có các giải pháp để tôn vinh các giá trị cảnh quan và lịch sử.
Cảnh quan các bãi triều, vùng ngập mặn đã hoàn toàn biến mất nhường chỗ cho các dự án lấn biển. Một đô thị có núi, đồi, biển, đảo,... lẽ ra có thể phát triển theo hướng sinh thái thì lại nhanh chóng bị mất đi hệ sinh thái phong phú vốn có, tư duy hướng biển đơn giản chỉ là lấp đất ra biển mà quên đi các giá trị thực sự mà biển và hệ sinh thái ven biển có thể mang lại cho môi trường, cảnh quan đô thị.
Sự tiếp cận với thiên nhiên của người dân Hạ Long giảm sút so với trước đây. Ngày nay, khi đi trên cầu Bãi Cháy (cao 50m so với mặt biển), tuy có được tầm nhìn rộng hơn nhưng việc tiếp cận với thiên nhiên lại xa cách, kém đi rất nhiều so với việc đi trên các tuyến đường lộng gió ven biển dẫn ra bến phà, được ngắm nhln nước biển xanh ngắt, thuyền bè tấp nập và những cơn sóng bạc đầu vỗ nhẹ vào bờ...
Các giá trị lịch sử của Hạ Long cũng dần mất đi cùng với những biến đổi của cấu trúc
Người dân thành phố Hạ Long cảm nhận rõ sự thay đổi này - cả một trung tâm đô thị khí còn là thị xã Hòn Gai dù còn bé nhỏ nhưng được bố trí tập trung đầy đủ các chức năng, sống động ven bờ vịnh, nhiều dấu ấn lịch sử qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ; nhiều dấu ấn, địa danh khó có thể quên với người dân như chứng tích nhà tù, bến Đoan, lán Bè, lán Đạo (nơi ở của người công nhân mỏ từ thời Pháp thuộc), cầu Cao, chân núi Bài Thơ... vậy mà giờ đây vắng vẻ bởi trở thành một điểm cụt, đường ra bến phà trở thành đoạn phố chết. Điều này gây một tâm lý hẫng hụt, nuối tiếc đối với người dân đô thị, nhất là những người đã từng sinh ra và gắn bó với mảnh đất giàu truyền thống này. Có thể nói, đây là những bài học rất sâu sắc với công tác quy hoạch. Những lý luận về sự kế thừa, tính thời gian trong Thiết kế đô thị, không gian quá khứ, hiện tại, tương lai... đã bị bỏ qua một cách phũ phàng hoặc chỉ là những lời lẽ “đẹp" trong bản thuyết minh các đồ án quy hoạch.
Mâu thuẫn giữa phái triển du lịch và công nghiệp
Hiện nay, tỷ trọng công nghiệp ở Hạ Long đạt khoảng 49%, tương đương với tỷ trọng kinh tế dịch vụ, du lịch. Với các tiềm năng về công nghiệp than, vật liệu xây dựng, cảng, những ngành phụ trợ như nhiệt điện, cơ khí, kho tàng và vận tải vẫn là nhân tố quan trọng của đô thị.
Mâu thuẫn với kinh tế du lịch, với sự phát triển bền vững của đô thị là các ngành kính tế công nghiệp này đang tạo ra nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn.
Cáo khu mỏ than tiếp cận rất gần với dân cư, như khu vực Hà Lầm, Hà Tu. Khu vực cầu Trắng với nhà máy sàng tuyển than, cảng than nhuộm đen toàn bộ dân cư xung quanh. Mặc dù thành phố đã có nỗ lực chuyển một sổ cảng than, kho than ra khỏi nội thị nhưng nguy cơ ô nhiễm do nhà máy xi măng (Hoành Bồ) vươn dài hệ thống băng chuyền ra giữa vịnh Cửa Lục, án ngữ cảnh quan đẹp nhất của khu dân cư Cao Xanh - Hà Khánh. Các khu vực công nghiệp không được thiết lập các dải cây xanh cách ly cần thiết.
Nói về môi trường, thành phố Hạ Long như chân dung một người mà mặt trước khá lịch sự, sạch sẽ nhưng sau lưng thì vẫn nhem nhuốc, đen đủi.
Các giải pháp gắn kết lại cấu trúc đô thị
Cần điều chỉnh lại sự phát triển của đô thị Hạ Long để có một cấu trúc hợp lý trước khi có những đợt phát triển ồ ạt mới. Trước hết, ngăn cản quá trình kéo dài đô thị và quan tâm đến việc tái lập lại khu trung tâm từ khu vực trung tâm đô thị cũ. Xét về vị trí, khu vực trung tâm của Hòn Gai cũ và khu Cột đồng hồ vẫn là vị trí tốt nhất, là ưu điểm của các tuyến đường chính, có vị trí trung tâm về địa lý để đảm bảo bán kính phục vụ tốt cho người dân. 
Bến phà Bãi Cháy cần sớm được khôi phục như một tuyến giao thông thứ hai liên kết hai bờ vịnh. Nghiên cứu giải pháp đường giao thông kết nối từ cầu Bãi Cháy xuống khu trung tâm cũ, góp phần làm sống lại không gian đô thị lịch sử của thành phố.
Xác định lại tương quan giữa các khu chức năng sản xuất với khu vực dân cư, đi kèm với phân dải cách ly đề gìn giữ môi trường. Việc phân vùng cảnh quan phải được thiết lập. Các giá trị cảnh quan và lịch sử của thành phố phải được đánh giá lại và có các biện pháp bảo vệ, tôn tạo.
Đã qua rồi sự phát triển ồ ạt theo chiều rộng cùng với những cơn sốt đất giả tạo. Thành phố Hạ Long cần đi vào chiều sâu với công tác quy hoạch chỉnh trang, bắt đầu từ chính khu vực trung tâm đô thị. Môi trường - cảnh quan đô thị là những bài toán cần có lời giải - bời đó là tiêu chí thiết yếu cho một đô thị sống tốt.
Còn có rất nhiều điều để nói về Hạ Long - một thành phố giàu tiềm năng nhưng cũng đầy mâu thuẫn. Sự rời rạc của cấu trúc đô thị chỉ là bề nổi của những vấn đề phát triển kinh tế, xã hội. Tạo nên sự gắn kết cấu trúc không gian cũng chính là việc giải quyết những mâu thuẫn giữa các ngành kinh tế, giữa chủ trương phát triển ngắn hạn và dài hạn; đồng thời với việc gắn kết cả các khía cạnh xã hội, làm giảm khoảng cách thu nhập giữa tầng lớp những người mới giàu với những người công nhân, đẩy lùi các tệ nạn xã hội ẩn chứa hiểm họa mọi nơi...
Điều chỉnh quy hoạch chung Hạ Long giai đoạn tới sẽ là cơ hội để thành phố có thể khắc phục những nhược điểm, có sức mạnh để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng đô thị có môi trường xanh, sạch, xứng tầm là đô thị của di sản vịnh Hạ Long, kỳ quan thế giới.


CÙNG 1 TÁC GIẢ:

>>>  Đô thị "xốp" - Ashui.com
>>>  Thành phố phi cấu trúc? - CCU

BÀI LIÊN QUAN:
>>> Bản sắc đô thị châu Á và Việt Nam: Đô thị hóa ngược & đô thị xốp ...
>>> Cấu trúc đô thị tphcm và các nguyên nhân tác động gia tăng ...
>>> Khám phá Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh (SV hỏi: Thầy ơi, sao Bảo tàng-Thư viện Quảng Ninh lại được giải, khi nó trái với nhiều lẽ thường: Như có phải công trình Nhà Nước thì được kiểm soát chi đầu tư rất chặt chẽ, mà sao công trình này lại tốn nhiều tiền vậy? Trong khi thông thường thì một bảo tàng tại Việt Nam chỉ tầm 60 tỷ đến 200 tỷ thì đã là nhiều rồi. Hai là khi xem hình thì hầu như 4 mặt của Thư viện đều bịt kín, không đúng với Nguyên lý thiết kế về phòng đọc. Hầu như công trình đều sử dụng Điện cho điều hòa trung tâm và chiếu sáng nhân tạo, vậy thì nó tiêu tốn nhiều năng lượng, nhiên liệu, trong khi nằm sát bên bờ Vịnh, với gió, nắng, và nhiều view nhìn đẹp. Ba là Kiến trúc bảo tàng cũng không có gì đặc biệt, trừ màu quá đen để tạo hiệu ứng. Nhưng mà màu đen này lại tương phản với cảnh quan xung quanh, màu núi đá, có cây xanh, và hình khối kiến trúc thì vuông vức, khác biệt với hình nhọn của núi bao bọc xung quanh....) >>> Để Thầy viết lại một bài về ý kiến của em, chuyển đến cho Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc Quốc gia hỏi xem thế nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét