Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

(8.4.2015) Philadenlphia - Phó Đức Tùng/Bút ký đi Mỹ

Philadelphia 08/04/2015

Bảo tàng nghệ thuật
Bên cạnh trục chính đông tây là đại lộ chợ, Philadelphia còn có trục chính bắc nam là đại lộ nghệ thuật – Avenue of the arts. Trục này còn to gấp đôi trục đông tây nên còn gọi là broad avenue. Nguyên cái tên hai trục đã cho thấy thành phố này có một định hướng chiến lược rất rõ ràng. Hai trục giao nhau tại tòa thị chính thành phố.
Trên đại lộ nghệ thuật có đại học mỹ thuật, thư viện mỹ thuật, các loại nhà hát.  Khi đi qua bùng binh là khu tòa thị chính, một phần trục bắc nam này chạy tiếp như một trục giao thông, nhưng phần hồn của nó thì rẽ chéo về hướng tây bắc, thành đại lộ công viên Franklin (park ave.). Đại lộ này là tuyến đường hoành tráng nhất Philadelphia, bốn dải đường rộng với những dải phân cách bằng công viên rộng lớn, xen lẫn những bùng binh công viên tròn hoành tráng.Đây cũng là trục đường duy nhất dám chém thẳng chéo qua mạng ô cờ của sự bình đẳng, được bố cục theo đúng phương thức tập quyền barock, thể hiện uy quyền tập trung tối cao.Sau 3 lần nâng cấp, tại JFK Plaza, Logan square và Eakin Oval, trục không gian này đạt tới đỉnh điểm tại bảo tàng nghệ thuật, được đặt trên đồi cao như đỉnh Acropolis, và cũng với cổng chào hoành tráng như đền Parthenon.(vì vậy ngày nay, bảo tàng này cũng có biệt danh là Fairmont Parthenon). Cấu trúc đăng đối hai cánh kinh điển của tòa nhà bảo tàng càng làm tăng thêm độ uy nghi, quyền lực. Nhìn trên mặt bằng tổng thể, khu bảo tàng khiến liên tưởng đến hình tượng bán cầu đại não của cả đô thị, dẫn tới đại lộ nghệ thuật là trục tủy sống. Xung quanh và đằng sau bảo tàng, công viên Fairmont rộng mênh mông với dòng sông Schuylkill làm hậu thuẫn vô cùng vững chắc.


Thiết kế trục bảo tàng chém chéo qua mạng ô cờ, nối vào góc tòa thị chính, Jacques Gréber 1917

Có thể nói ở Philadelphia, từ tòa thị chính trở xuống sẽ là khu vực dân sự, như vùng quanh Agora của Athen thuở trước. Còn từ tòa thị chính theo trục Franklin sẽ là Acropolis, là thượng tầng tinh thần. Nếu như constitution center, liberty bell và independence hall là cốt lõi của vùng dân sự, vẫn tuân theo mạng lưới ô cờ, thì trục Franklin, với đỉnh cao là bảo tàng nghệ thuật, là đầu não tinh thần của thành phố, và tuân thủ nguyên tắc tập trung, với thánh đường của nghệ thuật ở tòa bảo tàng. Xung quanh đó, tự nhiên được để tự do, là giá trị hậu thuẫn của nghệ thuật. Đứng từ sảnh đường bảo tàng nhìn xuống đô thị, ngay cả những tòa nhà chọc trời chen chúc ở khu trung tâm cũng trở nên nhỏ mọn, bon chen, mặc dù nếu đứng ở trung tâm, ta sẽ thấy những biểu tượng quyền lực này che rợp bóng mặt trời, lấn lướt hoàn toàn tòa thị chính, mặc dù tòa này đã rất nguy nga và nằm ở đúng giao điểm hai đại lộ lớn nhất.
Vậy có nghĩa là giá trị vision của thành phố đã rất rõ ràng: Bình đẳng, tự do, dân chủ là nền móng. Kinh tế, chính trị là trung tâm. Nhưng thiên nhiên, nghệ thuật mới là đầu não. Trong đó thiên nhiên cốt ở rộng rãi, tự nhiên, không bị xâm hại, bền vững, sơn thủy hữu tình. Nghệ thuật cốt ở tinh hoa, tập trung, quyết liệt. Nền dân chủ tự do trong khuôn khổ, nhất là để đáp ứng tiêu chí bình đẳng. Nhưng thiên nhiên và nghệ thuật thì cần tự do tuyệt đối, vượt mọi khung kẻ. Thiên nhiên nuôi dưỡng, nâng đỡ tinh hoa nghệ thuật. Nghệ thuật đứng trên đỉnh cao, vượt mọi khuôn phép, thoát mọi lưới bình đẳng, từ đó trực chỉ tới trung tâm kinh tế, chính trị, để rồi lan tỏa ra toàn đô thị.Vision rõ ràng đến thế, thể hiện mạch lạc đến thế, không phải nhiều đô thị trên thế giới có được. Đứng trước bảo tàng mà đầu óc choáng váng. Thì ra cái yếu điểm của mạng lưới bình đẳng cũng từng được các nhà hoạch định nhìn ra, và khéo léo chế ngự bằng đối trọng rất nặng kí, quyết liệt như vậy. Nếu đã khôn ngoan như vậy mà Philadelphia còn suy tàn thì có lẽ là mệnh trời chăng, giống như những đô thị lừng danh một thời trên thế giới rồi cũng lụi tàn. Lại ngẫm Hà nội của ta, huyênh hoang là một trong 10 đô thị rộng nhất thế giới, mà một vision cũng chẳng có, hay chẳng thể thực hiện trên thực tế, thì còn mong đợi nỗi gì.

Bước chân vào bảo tàng, phần đầu tiên ở tầng 1 là triển lãm nghệ thuật Mỹ. Ngay khúc đầu là các tác phẩm của các nghệ sỹ ngoài luồng. Đây là những nghệ sỹ nghiệp dư, không bằng cấp, không tên tuổi. Họ có thể là người điên, đồ tể, làm bánh, tù nhân v.v. Tác phẩm của họ thường ngẫu hứng, làm từ những vật liệu linh tinh xung quanh, và có lẽ sẽ biến mất không sủi tăm nếu không có con mắt tinh tường nào phát hiện ra kịp thời. Nhưng bảo tàng nghệ thuật Philadelphia đã có chiến lược sưu tầm những tác phẩm này từ hàng trăm năm trước, và đã có những thứ mang tính tiên tri cho cả dòng nghệ thuật mainstream. Việc đưa ra được chiến lược này, lại có năng lực sưu tầm được những thứ khó khăn đó, và nay trưng bày ở vị trí then chốt của bảo tàng, cho thấy cái tầm, cái tâm của người ta ghê gớm đến đâu.

Tiếp theo đó là nghệ thuật Mỹ thời thế kỷ 18, 19. Chủ yếu là nghệ thuật ứng dụng, như trong các sản phẩm nội thất, gỗ, đá, sành sứ, thủy tinh, kim loại, vải vóc v.v. Mục tiêu ban đầu của bảo tàng nghệ thuật Philla là trưng bày những kiệt tác nghệ thuật ứng dụng, để làm mẫu cho việc đào tạo thẩm mỹ, tay nghề thủ công mỹ nghệ cho cả nước. Trường mỹ thuật công nghiệp được lập ở ngay gần bảo tàng, và sinh viên sẽ trực tiếp học hàng ngày tại đây. Đây cũng là một chiến lược cao quý và thiết thực biết bao. Xem khoang này, mới thấy vào thế kỷ 18,19, nước Mỹ đã thừa hưởng được tất cả những tay nghề tinh xảo nhất về thủ công mỹ nghệ của châu Âu, và họ biết cách bảo tồn, phát huy những hạt giống quý này một cách rất có bài bản.

Sau khu vực thủ công mỹ nghệ đó, đến một khu đặc sản của Mỹ, đó là giới thiệu văn hóa và sản phẩm gia dụng của giáo phái Shaker. Nếu ở phòng trước, ta đã chứng kiến năng lực làm ra những sản phẩm xa hoa, cầu kỳ, lộng lẫy và tinh xảo nhất, thì ở đây, đa được chứng kiến một triết lý sống khác hẳn, triết lý tối giản. Người Shaker sống trong những cộng đồng nhỏ, khiêm nhường, tự cung tự cấp, gần như không giao lưu với thị trường. Bài toán đưa ra là làm thế nào để không có bất kỳ một chi tiết nào thừa. Những thứ còn lại, tối giản, thiết yếu thì được xử lý với kỹ thuật điêu luyện, tình yêu và lòng kiên nhẫn vô biên. Đặc biệt, người Shaker rất quan tâm đến gia súc và đối xử với chúng như người thân. Thiết kế, xây dựng chuồng trại và các đồ cho gia súc kỹ lưỡng, đẹp đẽ không khác gì nhà cho người. Ngay đầu tiên vào phòng, ta được đọc dòng chữ: “người tử tế thì đối với súc vật cũng tử tế. Mọi hành động thô lỗ đều thể hiện tâm hồn độc ác.” Hỡi ôi, mấy trăm năm trước, người ta đã nhận thức đến vậy, và thực hiện được triệt để vào đời sống. Vậy mà chúng ta ngày nay còn đi tranh luận những việc hiển nhiên như chém lợn Ném Thượng, thật là xấu hổ. Với triết lý tối giản và đạo đức vượt bực này, không trách người Mỹ có thể đi đầu trong thời kỳ hiện đại, vượt qua được cả những thành tựu đã rất hoành tráng của những thời Phục hưng, Barock châu Âu. Ta có thể cảm thấy cái protestant ethics của Max Weber, cái được ông cho là nền móng của chủ nghĩa tư bản, đã hiển thị sờ sờ ở đây, không phải nói ngoa.

Qua khu vực nghệ thuật Mỹ truyền thống, ta bước sang những gian trưng bày nghệ thuật ứng dụng thế giới, từ châu Á tới châu Âu. Cơ man là tuyệt phẩm của thủ công mỹ nghệ. Nhật bản, Trung quốc, Hàn quốc, Thái lan, Ả rập, Ấn độ, châu Âu v.v. đều được trưng bày đầy trân trọng, với những mái đình, tea house được mang về dựng lại nguyên trạng. Ta càng thán phục những nền văn minh khổng lồ về mỹ nghệ, kỹ nghệ trên thế giới kia, lại càng ngấm ngầm kinh hãi trước chiến lược thu giữ tinh hoa và học hỏi toàn cầu một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng của nước Mỹ.

Sang tới phần mỹ thuật thuần túy, tranh tượng, thì cũng cơ man là tuyệt phẩm bốn phương, với những tên tuổi ghê gớm nhất trong vòng 200 năm trở lại. Trong phạm vi vài giờ cưỡi ngựa xem hoa, tôi cũng chẳng thể chú mục được vào tác phẩm nào, mà chỉ có thể nói rằng tinh hoa lớp lớp, nhiều không kể xiết. Chỉ đến phòng trưng bày tác phẩm của Cy Twombly thì tôi mới bị giật ra khỏi trạng thái mê sảng vì bội thực hình ảnh. Cả một căn phòng lớn, trưng bày năm tác phẩm lớn như bức tường của Twombly. Những mảng mầu lớn, những mớ nghuệc ngoạc như đà điểu vẽ có tác dụng như một cái gõ vào đầu trong công án thiền khiến ta chợt tỉnh. Vẫn không hiểu gì, nhưng rõ ràng cảm nhận được có luồng năng lượng gớm ghê trong không gian đó. Những thứ thiên tài hẳn phải thiên tài mới hiểu hay cảm thụ, và tôi thì không phải thiên tài nên không thể hiểu. Nhưng rõ ràng qua đó, có cảm nhận rằng nước Mỹ có thiên tài, nhận ra và biết trọng dụng thiên tài, và hiện tượng nước Mỹ có những yếu tố thiên tài dẫn đến, không thể suy xét theo logic thông thường.

Đón đọc loạt 6 bài Bút ký đi Mỹ của KTS Phó Đức Tùng, từ (7) - (13)

BÀI LIÊN QUAN:
 >>> (7) Philadenlphia - Phó Đức Tùng/ Bút ký đi Mỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét